Thị trường

Viettel, VNPT, Mobifone góp hơn 1.000 tỷ vào quỹ vắc xin Covid-19

(VNF) - Các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam đã đóng góp tổng cộng 1.050 tỷ đồng vào quỹ vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, Viettel góp 450 tỷ, VNPT góp 400 tỷ và Mobifone góp 200 tỷ.

Viettel, VNPT, Mobifone góp hơn 1.000 tỷ vào quỹ vắc xin Covid-19

Viettel góp 450 tỷ, VNPT góp 400 tỷ và Mobifone góp 200 tỷ vào quỹ vaccine Covid-19.

Theo đại diện Viettel, từ khi dịch bắt đầu bùng phát đầu năm 2020, với thế mạnh là doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp này đã hỗ trợ Chính phủ nhiều giải pháp quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Viettel đã xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth tới 1.300 cơ sở y tế trên toàn quốc, triển khai 700 điểm cầu tại các bệnh viện có các ca bệnh; xây dựng Portal và app “sức khỏe Việt Nam”, tờ khai y tế, bản đồ dịch bệnh, sổ sức khỏe điện tử, hộ chiếu vắc xin Covid-19 trên toàn quốc.

Đặc biệt, chỉ trong 2 tuần, Viettel đã lắp đặt và kết nối tích hợp gần 4.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía bắc. Tổng đài viên ảo của Viettel (Cyber Bot) đã gọi hơn 200 nghìn cuộc gọi cho  các thuê bao chưa cài Bluezone để vận động, hướng dẫn sử dụng nhằm bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch Covid-19.

Với VNPT, doanh nghiệp này đã phát triển giải pháp công nghệ trong nhằm hỗ trợ công tác chống dịch như phát triển ứng dụng khai báo y tế NCOVI; trong 3 tuần, đã lắp đặt hơn 2.400 camera giám sát tại 150 điểm cách ly tập trung và đang đầu tư hạ tầng để đảm bảo có thể kết nối 10.000 camera giám sát theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

Trong 2 ngày, VNPT cũng đã triển khai xong tổng đài 18001119 để kịp thời hỗ trợ người dân khai báo y tế  và sử dụng hệ thống Callbot để hỗ trợ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch…

Tính thời điểm này, tổng đài 18001119 đã tiếp nhận được gần 25.000 cuộc gọi đến, yêu cầu hỗ trợ khai báo y tế. Từ ngày 23/5 đến nay, hệ thống Callbot của VNPT đã thực hiện gần 660.000 cuộc gọi đến các thuê bao để tuyên truyền, khuyến khích người dân cài đặt phần mềm Bluezone.

Còn theo đại diện Mobifone, thời gian tới, doanh nghiệp này có kế hoạch đồng hành với các doanh nghiệp khác và người dân Việt Nam với những chương trình thiết thực, cụ thể cả về ngắn hạn cũng như lâu dài… tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp trong đại dịch, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, đó là vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, Mobifone cùng với các tập đoàn, tổng công ty trong Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã huy động được tổng số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng, đóng góp cho quỹ vắc xin phòng Covid-19 của quốc gia.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra vào hôm qua (3/6), Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, cho biết số dư của quỹ vắc xin phòng Covid-19 hiện là gần 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ chuyển vào quỹ. 

Bộ Tài chính cũng đang làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho quỹ hơn 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân và một số đơn vị ngoài các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất hưởng ứng trong việc ủng hộ quỹ vắc xin.

Sắp tới đây, Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ quỹ vắc xin.

Tin mới lên