M&A

Viglacera thoái vốn nhóm gạch đất sét nung: Bán 51% vốn Bá Hiến thu 7 tỷ đồng

Bá Hiến là một trong 5 công ty con sản xuất gạch đất sét nung nằm trong diện thoái vốn của Viglacera.

Viglacera thoái vốn nhóm gạch đất sét nung: Bán 51% vốn Bá Hiến thu 7 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Bá Hiến lỗ lũy kế hơn 61 tỷ đồng trong năm 2019

Toàn bộ 511.711 cổ phần Công ty Cổ phần Bá Hiến đã được bán đấu giá thành công trong ngày 23/6 vừa qua. Phiên đấu giá thu hút 14 nhà đầu tư tham dự với lượng đăng ký mua là 2,14 triệu cổ phần, gấp gần 4 lần lượng chào bán. Toàn bộ số cổ phần trên đã về tay một nhà đầu tư đưa ra mức giá đấu 15.100 đồng, gấp rưỡi giá khởi điểm (10.000 đồng/cổ phần). Cổ phiếu BHV của công ty đang giao dịch trên sàn UPCoM tuy nhiên thường xuyên trong tình trạng trắng thanh khoản, thị giá hiện tại ở mức 6.000 đồng/cổ phần.

Đợt đấu giá được thực hiện tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Phố Wall.

Chủ trương triển khai các thủ tục để thoái vốn góp của Viglacera tại các đơn vị sản xuất gạch đất sét nung là Công ty Cổ phần Bá Hiến, Công ty Cổ phần Viglacera Từ Sơn, Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long 1, Công ty Cổ phần Viglacera Hợp Thịnh, Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm trong năm 2020 đã được đề ra tại cuộc họp cổ đông vừa rồi.

Theo giải thích từ lãnh đạo công ty sức ép cạnh tranh của thị trường ngày càng gia tăng, làm giảm sâu lợi nhuận của một số đơn vị và phát sinh lỗ đối với các đơn vị sản xuất gạch xây truyền thống. Trong năm 2019, nhóm này thu về 1.684 tỷ đồng doanh thu và 107,5 tỷ đồng lãi trước thuế.

Tại Bá Hiến, doanh nghiệp này kinh doanh dưới giá vốn từ năm 2018. Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế của Bá Hiến lỗ tới 15 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm trước đã tăng lên 61 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ chưa đến 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bá Hiến cũng đang quản lý khu đất hơn 14,1 ha tại xã Bá Hiến, tỉnh Vĩnh Phúc theo hợp đồng thuê đất của Nhà nước đến năm 2046.

Cũng tại cuộc họp cổ đông vừa qua, tổng công ty này đã mở rộng việc áp dụng nguyên tắc quá bán thay nguyên tắc nhất trí toàn bộ với một số nội dung quyết định của HĐQT, bao gồm cả việc thoái vốn công ty con.

Các công ty gạch này phần lớn đều đã hoạt động thời gian dài, quản lý khu đất lớn đang sử dụng làm nhà xưởng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng ở thời điểm hiện tại vẫn là cổ đông lớn nhất của Viglacera với tỷ lệ sở hữu hơn 38% vốn cổ phần. Việc thoái vốn tại các công ty này do đó cũng cần đảm bảo các quy định của Nhà nước, nhất là Nghị định 167/2017/NĐ-CP Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Dự kiến, vào tháng 11-12/2020, Bộ Xây dựng sẽ đấu giá để thoái toàn bộ vốn tại Viglacera.

Tin mới lên