Tài chính

6 tháng đầu năm, Vinaconex báo lãi hợp nhất 280 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ tăng 66%

(VNF) - Tiếp tục trúng thầu nhiều dự án xây lắp trọng điểm, đẩy mạnh triển khai các dự án bất động sản, liên tục tái cơ cấu vốn hiệu quả, luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 280 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 694 đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 758 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm, Vinaconex báo lãi hợp nhất 280 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ tăng 66%

Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, công trình trọng điểm đang được nhà thầu Vinaconex nỗ lực triển khai, đảm bảo tiến độ.

Lợi nhuận công ty mẹ tăng 66% trong nửa đầu năm

Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex đạt doanh thu hợp nhất 2.360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 280 tỷ đồng và lợi nhuận thuộc về công ty mẹ 250 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 694 đồng.

6 tháng đầu năm, công ty mẹ đạt doanh thu 1.212 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế 758 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính tiếp tục duy trì ở mức cao khi Vinaconex triển khai thoái vốn các khoản đầu tư mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Tính riêng Quý 2/2021, Công ty mẹ Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần 782 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 351 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ, tương ứng hơn 100 tỷ đồng.

Các chi phí vận hành, tài chính được "ông lớn" ngành xây dựng giảm tải khá hiệu quả, cụ thể trong quý 2, chi phí tài chính giảm 15% còn 53 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 27% xuống 162 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm nhẹ còn hơn 7 tỷ đồng.

Đó là những điểm sáng của Vinaconex, trong bối cảnh quý II chứng kiến làn sóng đại dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát và diễn biến khó lường tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sự lây lan nhanh của dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, tuy nhiên Vinaconex với vị thế đầu ngành, cùng với khả năng nắm bắt cơ hội và xoay chuyển tình thế nhanh chóng vẫn thúc đẩy tăng trưởng của biên lợi nhuận gộp trong quý.

Mặc dù vậy, do trong quý 2 ghi nhận doanh thu tài chính âm gần 297 tỷ đồng, doanh nghiệp báo lãi trước thuế còn hơn 14 tỷ đồng. Giải trình về biến động này, Vinaconex cho biết trước đó trong quý I/2021, doanh nghiệp đã hạ tỷ trọng tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 (UPCoM: ND2) từ 73% xuống 38%, và ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 430 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Bước sang quý II, Vinaconex lại nhận chuyển nhượng một phần cổ phiếu ND2, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 38% lên 51%.

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, Vinaconex phải giảm trừ khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng số cổ phần, tương ứng với 35% vốn điều lệ tại ND2 đã ghi nhận trong lợi nhuận hợp nhất quý I.

Nhìn trên bình diện chung, hoạt động này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh giai đoạn 6 tháng đầu năm của Vinaconex. Theo đó, lũy kế nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 466 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 280 tỷ đồng

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản hợp nhất của Vinaconex ghi nhận 30.186 tỷ đồng, tăng 10.576 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 7.231 tỷ đồng.

Đẩy mạnh triển khai nhiều dự án xây dựng và bất động sản trọng điểm

Kể từ đầu năm, Vinaconex đã trúng nhiều gói thầu xây dựng giá trị lớn như: Gói thầu XL03, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và gói XL-03 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đều thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Gói thầu xây cầu chính dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; gói thầu số 37 XL-05 thi công xây lắp công trình thuộc dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng… Được biết, một số công trình trọng điểm do Vinaconex làm nhà thầu xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang được phép gấp rút thi công như dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, dự án cải tạo nâng cấp bệnh viện K Trung ương, hay dự án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

Trong lĩnh vực bất động sản, Vinaconex cũng không ngừng tích luỹ quỹ đất, đặt mục tiêu 5.000 ha vào năm 2025. Một số dự án trọng điểm đang được đẩy mạnh đầu tư như dự án Khu đô thị du lịch Cát Bà – Amatina, dự án chung cư cao cấp 93 Láng Hạ…

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã chính thức công bố kết quả rà soát danh mục VN30, đồng thời công bố danh mục 5 cổ phiếu dự phòng cho VN30, bao gồm 4 cổ phiếu từ các nhà băng, duy nhất cổ phiếu VCG của Vinaconex là không thuộc nhóm ngân hàng.

Việc là một trong 5 cổ phiếu dự phòng cho VN30 sau hơn nửa năm chuyển sàn từ HNX sang HoSE đã cho thấy cổ phiếu VCG thu hút sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư.

Từ khoá: VCG, Vinaconex,
Tin mới lên