Tài chính

Vinamilk ước lãi trước thuế 11.200 tỷ trong năm 2016

(VNF) – Vinamilk ước lãi trước thuế 11.200 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 19,57% so với năm 2015 và hoàn thành vượt 11,78% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tính riêng trong quý IV/2016, lãi trước thuế của Vinamilk lại giảm 5,44% so với cùng kỳ 2015.

Vinamilk ước lãi trước thuế 11.200 tỷ trong năm 2016

Tính riêng trong quý IV/2016, cả doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk đều giảm so với cùng kỳ năm 2015

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa ra công văn số 6433/CV-CTS.TC/2016 về việc công bố dự kiến kết quả kinh doanh hợp nhất thực hiện năm 2016, theo đó, Vinamilk ước đạt 46.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 14,86% so với cùng kỳ năm 2015 và hoàn thành vượt 3,68% kế hoạch năm.

Tính riêng trong quý IV/2016, doanh thu của Vinamilk ước đạt 11.074 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng so với quý IV/2015. Đây là một thông tin khá bất ngờ bởi các quý gần đây, Vinamilk vẫn luôn tăng trưởng so với cùng kỳ một năm trước đó.

Vinamilk công bố kết quả kinh doanh 2016

Chi tiết nội dung công bố thông tin kết quả kinh doanh dự kiến năm 2016 của Vinamilk

Lợi nhuận trước thuế của Vinamilk ước đạt 11.200 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 19,57% so với năm 2015 và hoàn thành vượt kế hoạch năm 11,78%.

Tương tự như trường hợp của doanh thu, lợi nhuận trước thuế của Vinamilk tính riêng trong quý IV/2016 chỉ đạt 2.167 tỷ đồng, giảm 118 tỷ đồng so với quý IV/2016, tương đương mức giảm 5,44%.

Doanh thu lợi nhuận Vinamilk giảm trong quý IV/2016

Doanh thu và lợi nhuận quý IV/2016 của Vinamilk bất ngờ giảm so với cùng kỳ năm 2015

Vừa qua, Tập đoàn F&N đã chính thức sở hữu thêm 5,4% cổ phần của Vinamilk sau khi chấp nhận bỏ ra 11.286 tỷ đồng để mua 78,4 triệu cổ phiếu VNM trong đợt đấu giá cạnh tranh 130,6 triệu cổ phiếu VNM mà SCIC chào bán. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, 40% lượng cổ phần mà SCIC đưa ra đấu giá đã chính thức bị "ế".

Vinacapital, trên góc độ là nhà tư vấn thực hiện thương vụ này, cho rằng có thể coi thương vụ thoái vốn Vinamilk là thành công trong điều kiện kinh tế Việt Nam và tình hình chung hiện tại.

Theo công ty này, đây là thương vụ lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2016 và được thực hiện trong thời gian rất ngắn (2,5 tháng). Với mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu thì đây cũng là 1 trong những thương vụ thoái vốn hiếm hoi tại Đông Nam Á có giá cao hơn thị trường – việc này phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư với VNM và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong bối cảnh thị trường mới nổi đang rất không ổn định vì nhiều lý do chính trị/kinh tế mang tính toàn cầu. Mức giá này đã ngay lập tức mang lại lợi nhuận 6,7% so với giá thị trường cho bên bán (SCIC), tương đương khoảng 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI),  phiên đấu giá trên đã không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính và SCIC đặt ra, đó là bán lẻ rồi tiếp tục chia nhỏ lô cổ phiếu để mong muốn tạo sự công bằng cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế có cơ hội tham gia mua cổ phần tại Vinamilk.

Với mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá thị trường khoảng 7%, VAFI cho rằng, "chẳng có nhà đầu tư chứng khoán nào dại dột lại đi mua cổ phiếu VNM cao hơn so với giá trên sàn".

Vẫn theo VAFI, sau này việc thoái vốn lô lớn cổ phần Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không thể trông chờ vào các nhà đầu tư tài chính mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài.

Tin mới lên