Thị trường

Vinataba: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

(VNF) - Trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế cũng như chính sách của nhà nước, sản lượng thuốc lá điếu của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) vẫn giữ được tăng trưởng nhẹ. Đặc biệt, trong 5 năm qua, để nâng cao chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất và đã đạt được những kết quả tích cực.

Vinataba: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Vinataba: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tăng sản lượng xuất khẩu

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng thuốc lá điếu giai đoạn của tổng công ty (TCT) tăng bình quân 2,2%/năm, trong đó: Sản lượng nội tiêu tăng bình quân 1,4%/năm. Sản lượng thuốc lá xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt tăng trưởng bình quân 3,8%/năm. Các đơn vị trong TCT đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới nhằm đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, đến năm 2020, tổng công ty đã chiếm 75% sản lượng xuất khẩu của toàn ngành với 1.436 triệu bao.

Tổng sản lượng thuốc lá điếu giai đoạn 2016-2020 ước đạt 19,4 tỷ bao. Tổng doanh thu (không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 128 nghìn tỷ đồng, đạt bình quân trên 25 nghìn tỷ đồng/năm. Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2019 ước đạt 960 triệu USD. Chỉ tiêu nộp ngân sách giai đoạn 2016-2020 ước đạt 54 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 3,1%/năm.

Trong 5 năm qua, để nâng cao chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có nhiều cải tiến kỹ thuật và kết quả nghiên cứu được áp dụng trong sản xuất. Điển hình như: Công ty thuốc lá Sài Gòn đã áp dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh như: công nghệ đục lỗ laser online cho phần đầu lọc, sử dụng công nghệ sấy tháp (Flash Dryer) góp phần làm giảm định mức, tăng độ xốp, độ điền đầy của sợi, đáp ứng được lộ trình giảm Tar và Nicotin theo quy định.

Trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công ty đã đa dạng hóa sản phẩm, xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm điếu nhỏ, mẫu mã đẹp, giá trị cao, nâng tầm đẳng cấp, đáp ứng xu thế thay đổi của thị trường, điển hình như các sản phẩm: SAIGON XANH Slim, SAIGON MENTHOL Demi Slim, SAIGON Virginia BC-RC, SAIGON STAR Vàng Super Slim BC, YOUNG STAR Slim BC... Với các sản phẩm xuất khẩu, phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế như: bao compact, bao cạnh tròn, bao demi slim, slim, super slim, đầu lọc thông thoáng, đầu lọc capsule…

Công ty thuốc lá Thăng Long đã tập trung nghiên cứu cho ra đời nhiểu sản phẩm mới theo định hướng chuyển đối cơ cấu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh doanh cao, từng bước cạnh tranh vào phân khúc sản phẩm cao cấp. Những sản phẩm có giá trị cao, sức tiêu thụ tốt như: Thăng Long (20’s Virrginia Blend), Thăng Long (20’s Slim Virginia Blend), Thăng Long (20’s 60 năm Blue), Thăng Long (20’s Du lịch), Thăng Long (20’s Luxury Blue)... đã xây dựng được hình ảnh trên thị trường.

Chú trọng chuyển đổi số

Xác định tầm quan trọng của quá trình ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý, sản xuất, các nhiệm vụ KHCN trong TCT được thực hiện xuyên suốt từ lãnh đạo của Ban thường vụ Đảng ủy, chủ trương của Hội đồng thành viên, và sự tập trung chỉ đạo từ Ban Tổng giám đốc đến các đơn vị thành viên, và một trong những kênh triển khai thực hiện là thông qua tư vấn của Hội đồng Khoa học kỹ thuật (KHKT).

Đặc biệt, để thực hiện được quá trình chuyển đổi số, tổng công ty đã có những đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh như liên tục nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thiết yếu công tác quản lý và điều hành tại văn phòng TCT và toàn tổ hợp (email, văn phòng điện tử…); hoàn thành dự án đầu tư thiết bị nâng cấp hệ thống tường lửa và hệ thống phần mềm phòng chống virus quản trị tập trung tại văn phòng tổng công ty và hoàn thành dự án đầu tư mua sắm phần mềm quản trị bán hàng cho các đại lý, phân phối thuộc hệ thống phân phối chung của Vinataba với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường.

Ngoài ra, các đơn vị thuốc lá điếu đã thực hiện chuyển đổi, cải tạo và nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và người nước; cải tiến và nâng cấp được chất lượng sản phẩm; sản xuất sản phẩm điếu Slim, gói sealed bundle. Hầu hết sản phẩm nội tiêu được chuyển đổi từ điếu, bao dạng kingsize sang dạng compact. Các sản phẩm xuất khẩu cũng được đa dạng hóa với nhiều dạng phục vụ yêu cầu ngày càng phong phú hơn của khách hàng.

Trong giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo TCT và các đơn vị hết sức quan tâm đến công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Quy trình phát triển sản phẩm được thực hiện tương đối bài bản, dựa trên điều tra nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh, phần nào giúp các đơn vị sẵn sàng, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Một số sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất điển hình tại đơn vị giai đoạn 2016-2020

1. Công ty thuốc lá Sài Gòn: Năm 2016, chuyển đổi 01 dây chuyền vấn ghép Mark 8-Max 3 và 01 dây chuyền bao HLP sản xuất  Demi Slim, 01 dây chuyền vấn ghép Mark 8 - Max 3 sản xuất Super Slim, 02 dây chuyền bao AMF sản xuất bao cứng không nắp… Cải tạo máy bao YB43A-OGT từ bao Super Slim 98mm sang bao Super Slim 83mm.

2. Công ty thuốc lá Thăng Long: Năm 2018, sáng kiến thiết kế chế tạo, cải tiến máy đóng bao HLP sản xuất mẫu bao 2 ruột bao cho sản phẩm Thăng Long 60mm. Năm 2019, cải tiến thiết kế, chế tạo một số bộ phận, hạng mục tại dây chuyền chế biến sợi công suất 6 tấn/giờ, lắp đặt tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

3. Công ty thuốc lá Bến Tre: Thiết kế cải tạo máy đóng bao HLP1 từ sản xuất bình thường sang sản xuất bao Auto Relock (Silver Bundle), sáng kiến đã áp dụng thực tế sản xuất sản phẩm bao thuốc lá Auto Relock (Siver Bundle) với giá trị làm lợi tương đương 3,2 tỷ đồng/năm.

4. Công ty thuốc lá Thanh Hóa: Chuyển đổi máy HLP 2.1 sản xuất sản phẩm bao cạnh tròn; cải tiến cụm hộp khuôn bao 48 từ dạng khuôn Compac sang dạng khuôn Round conner. Cải tiến bộ xích tải nhãn bao; máng dẫn bao vào hộp khuôn 48; cụm dao cắt lưỡi gà; cụm hộp khuôn 36; căn chỉnh máy. Ước giá trị làm lợi là 45 triệu đồng.

5. Công ty Cổ phần Ngân Sơn: Ý tưởng lắp đặt hệ thống hút chân không đóng gói thành phẩm lá trong cuộc thi sáng tạo sản phẩm mô hình trực quan.

6. Công ty Cổ phần Hòa Việt: Hệ thống băng chuyền kiểm tra nguyên liệu thuốc lá trong cuộc thi sáng tạo sản phẩm mô hình trực quan: thiết kế và lắp đặt hệ thống băng chuyền kiểm đếm nguyên liệu được tự động hóa từ khâu nhập liệu đầu vào cho đến khâu thành phẩm.

7. Công ty Cổ phần Cát Lợi: Hệ thống điện năng mặt trời hòa lưới áp mái tại công ty trong cuộc thi sáng tạo sản phẩm mô hình trực quan. Nâng cấp hệ thống chồng màu để nâng cao độ chính xác, độ ổn định sản phẩm trên 2 máy in bao cứng 10 màu. Lắp đặt thêm 01 bệ sấy UV thành 02 bệ sấy UV trên máy in bao cứng 10 màu để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm in UV.

Ngoài ra còn nhiều đơn vị khác cũng đã có nhiều cải tiến, sáng tạo đổi mới nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất, tiết kiệm sản xuất và gia tăng năng suất, góp phần vào thắng lợi cho toàn công ty.

Định hướng về hoạt động KHCN trong 5 năm tới (2021-2025), Tổng công ty thuốc lá Việt Nam xác định, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất, trong đó trên 50% đề tài nghiên cứu khoa học có địa chỉ.

Cùng với đó phấn đấu mức đầu tư cho KHCN tăng tối thiểu 10% so với giai đoạn 2016-2020 và tỉ lệ đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ trên tổng vốn đầu tư đạt 60%.

Vinataba cũng sẽ tập trung xây dựng và đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách KHCN với 3 trụ cột chính là đầu tư và cơ chế tài chính; quản lý tổ chức nhiệm vụ KHCN, chính sách đối với nhân lực nhân tài trong lĩnh vực KHCN; thực hiện lộ trình giảm tar và nicotin của Bộ Y tế thông qua ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Tin mới lên