Tài chính

Vinatex được định giá 6.750 tỷ, thấp hơn vốn chủ sở hữu

(VNF) – 500 triệu cổ phiếu VGT của Vinatex sẽ chào sàn UPCoM với mức giá 13.500 đồng/cổ phiếu, nghĩa là Vinatex được định giá ở mức 6.750 tỷ đồng. Đáng chú ý là, con số này thậm chí còn thấp hơn cả mức vốn chủ sở hữu 7.399 tỷ đồng của Vinatex tính đến hết ngày 30/9/2016.

Vinatex được định giá 6.750 tỷ, thấp hơn vốn chủ sở hữu

Vinatex được định giá 6.750 tỷ đồng, thấp hơn cả vốn chủ sở hữu dù tập đoàn này nắm trong tay nhiều lợi thế

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo số 1352/TB-SGDHN về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), theo đó, 500 triệu cổ phiếu VGT của Vinatex sẽ chào sàn UPCoM vào ngày 3/1/2017.

Với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu, Vinatex đang được định giá 6.750 tỷ đồng. Mặc dù mức giá chào sàn 13.500 đồng hiện tương đương với mức giá mỗi cổ phiếu Vinatex đang được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC), nhưng có quyền đặt nghi vấn rằng, Vinatex đang được định giá khá thấp.

Nguyên nhân là bởi vốn sở hữu của Vinatex tính đến hết ngày 30/9/2016 ở mức 7.399 tỷ đồng, nghĩa là cao hơn 649 tỷ đồng so với con số được định giá là 6.750 tỷ đồng, tương đương với mức chênh 9,6%. Với một doanh nghiệp nắm trong tay nhiều lợi thế như Vinatex, đặc biệt là quỹ đất được giao quản lý và sử dụng lên tới trên 490.000 m2, rất khó hiểu khi doanh nghiệp này được định giá thấp hơn vốn chủ sở hữu, bởi ngay cả khi bán đi toàn bộ tài sản và trả nợ, Vinatex vẫn ít nhất thu về số tiền cao hơn mức đang được định giá.

Vinatex

Dù nắm trong tay nhiều lợi thế, đặc biệt là đất đai nhưng Vinatex lại được định giá thấp hơn cả vốn chủ sở hữu hiện có

Theo bản cáo bạch của Vinatex, trong số 500 triệu cổ phiếu có 120 triệu cổ phiếu của cổ đông chiến lược, chiếm tỷ lệ gần 24% bị hạn chế chuyển nhượng. Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông vào tháng 7/2016, Vinatex có 30 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm 11,01% vốn điều lệ.

Hiện Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất tại Vinatex với tỷ lệ sở hữu 53.49%. Tiếp đến là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 14%, Vingroup sở hữu 10% và cá nhân ông Bùi Mạnh Hưng sở hữu 6%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần 11.287 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này ở mức 455 tỷ đồng, tăng 42% so với 9 tháng đầu năm 2015.

Tin mới lên