Bất động sản

Vĩnh Hà: 7 năm đèo bòng giấc mơ địa ốc

(VNF) – Tháng 11 tới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà (UPCoM: VHF) sẽ lấy ý kiến cổ đông (bằng văn bản) thông qua việc hợp tác đầu tư 2 dự án tại số 9A Vĩnh Tuy + 780 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và tại lô đất Km10 Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Đây là nỗ lực mới nhất nhằm hiện thực hóa giấc mơ địa ốc mà doanh nghiệp này đã đèo bòng suốt 7 năm qua.

Vĩnh Hà: 7 năm đèo bòng giấc mơ địa ốc

Vĩnh Hà (VHF) vẫn đang ấp ủ giấc mơ phát triển địa ốc (ảnh có tính chất minh họa)

Quyết tâm từ năm này qua năm khác

Công ty Cổ phần Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà có tiền thân là Công ty Kinh doanh Vận tải – Lương thực (trực thuộc Tổng công ty Lương thực Trung ương 1) được thành lập vào năm 1993. Năm 2006, Vĩnh Hà chuyển sang hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 43 tỷ đồng và chính thức niêm yết trên sàn UPCoM 4 năm sau đó với 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (51%) và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và chuyển tiền Việt Nam (40,67%).

Trước khi lên sàn, Vĩnh Hà có hoạt động sản xuất kinh doanh chính là cung ứng lương thực, cung ứng nông sản, thức ăn chăn nuôi và kinh doanh kho bãi. Lợi nhuận sau thuế các năm 2007, 2008, 2009 chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn từ 1 – 3 tỷ đồng.

Sau khi lên sàn, Vĩnh Hà có bước phát triển về doanh thu và lợi nhuận. Trong giai đoạn 2012 – 2016, Công ty liên tiếp ghi nhận mức doanh thu nghìn tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận cũng có bước cải thiện đáng kể, đạt 5,2 tỷ đồng (2011), 13,5 tỷ đồng (2012), 11,2 tỷ đồng (năm 2013).

Tuy nhiên, diễn biến lợi nhuận của Vĩnh Hà lên xuống rất thất thường. Vừa báo lãi 11,2 tỷ đồng trong năm 2013, lợi nhuận năm 2014 lại đã rơi thẳng đứng xuống còn 1 tỷ đồng. Năm 2015 lên được 6,5 tỷ đồng thì năm 2016 lại rơi xuống 180 triệu đồng. Nửa đầu năm 2017, Công ty thậm chí còn lỗ ròng tới 7,3 tỷ đồng.

Việc thực hiện đầu tư địa ốc của Vĩnh Hà mới chỉ dừng lại ở "quyết tâm"

Tình hình tài chính của Vĩnh Hà cũng đang tỏ ra không mấy sáng sủa khi trong 6 tháng đầu năm, hàng tồn kho đã tăng gấp 10 lần (từ 21 tỷ đồng lên 211 tỷ đồng); nợ phải trả tăng gấp 2,47 lần (từ 110 tỷ đồng lên 272 tỷ đồng, trong đó 96% là nợ ngắn hạn). Riêng nợ vay ngắn hạn cũng tăng gấp 3,8 lần trong 6 tháng, lên mức 219 tỷ đồng – cao hơn vốn chủ sở hữu (214 tỷ đồng). Ngoài ra Công ty cũng đang ôm khoản nợ xấu lên tới 35 tỷ đồng (khoản nợ xấu này đã tăng gần 3 lần so với thời điểm 2012).

Những số liệu không mấy đẹp đẽ nêu trên được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến Vĩnh Hà dang dở giấc mơ địa ốc suốt 7 năm qua, dù rằng trong Nghị quyết Đại hội cổ đông giai đoạn 2011 - 2016, Công ty nhắc đi nhắc lại mãi một thông điệp: "quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được 2 dự án Km10 Văn Điển và 9A Vĩnh Tuy + 780 Minh Khai" (chưa kể dự án 231 Cầu Giấy, dự án tại số 21 và 100 Sài Đồng được bổ sung thêm vào "quyết tâm" trong 2 mùa Đại hội 2015 - 2016).

Theo tìm hiểu, hồi năm 2011, Vĩnh Hà đã dự kiến xây dựng tòa nhà hỗn hợp Vĩnh Hà – VH1 trên ô đất tại Km10 Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 1.242 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vĩnh Hà cũng ấp ủ dự định xây dựng một cao ốc khác tại khu đất 9A Vĩnh Tuy + 780 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội (đây là trụ sở của Công ty).

Để thực hiện tham vọng trên, trong năm 2011, Vĩnh Hà đã phát hành 17,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 43 tỷ đồng lên 215 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ sau lần phát hành đó, Vĩnh Hà không có thêm kế hoạch tăng vốn nào. Cho đến hết quý II/2017, vốn chủ sở hữu của Vĩnh Hà vẫn chỉ là 214 tỷ đồng. Đến nay, cũng chưa thấy Công ty có động thái rõ ràng nào trong việc tăng vốn hay mời gọi hợp tác đầu tư. Các dự án, do vậy, vẫn mới chỉ dừng lại ở việc "quyết tâm".

Vĩnh Hà có gì?

Trong bản cáo bạch niêm yết công bố năm 2010, Vĩnh Hà có nêu lên danh mục đất đai mà công ty đang quản lý và sử dụng. Danh mục này gồm 28 lô đất có diện tích từ vài trăm đến vài nghìn m2, phân bố cả ở hai miền nam bắc.

Tại Hà Nội, Vĩnh Hà có các khu đất: 25 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ (846 m2), thị trấn Yên Viên, Gia Lâm (2.654 m2), 9A Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng (9.040 m2), thị trấn Gia Lâm, phường Ngọc Lâm, Long Biên (3.835 m2), thị trấn Sài Đồng, phường Sài Đồng, Long Biên (2.000 m2), thị trấn Đức Giang, Long Biên (2.134 m2), 780 Minh Khai, Hai Bà Trưng (16.168 m2), thị trấn Văn Điển (8.325 m2), phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai (2.083 m2), thị trấn Yên Viên, Gia Lâm (1.290 m2), xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì (2.000 m2), Cổ Bi, Gia Lâm (1.071 m2)…

Tại các tỉnh phía nam, Vĩnh Hà có các lô đất: xã Lịch Hội, huyện Long Phú, Sóc Trăng (111.880 m2), xã Liên Tú, huyện Long Phú (15.089 m2), Lĩnh Hội Thượng, huyện Long Phú (25.364 m2)…

Các lô đất này ít nhiều đều có khả năng chuyển đổi thành dự án bất động sản. Nghị quyết Đại hội cổ đông hàng năm của Vĩnh Hà vẫn để ngỏ câu chữ "nhấn mạnh việc thực hiện dự án khác trên các lô đất do Công ty đang quản lý và sử dụng". Tuy nhiên, với tiềm lực hiện tại, ngoài hai chữ "quyết tâm" trên Nghị quyết, Vĩnh Hà có gì để hiện thức hóa giấc mơ của mình?

Tin mới lên