Tài chính

Vĩnh Phúc: Ngành công nghiệp nộp ngân sách nhà nước 6 tháng hơn 1.130 tỷ, tăng 11%

(VNF) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 14%; nộp ngân sách nhà nước hơn 1.130 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Vĩnh Phúc: Ngành công nghiệp nộp ngân sách nhà nước 6 tháng hơn 1.130 tỷ, tăng 11%

Vĩnh Phúc: Ngành công nghiệp nộp ngân sách nhà nước 6 tháng hơn 1.130 tỷ, tăng 11%

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 14%; giá trị xuất khẩu ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 12%; nộp ngân sách nhà nước hơn 1.130 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 9 dự án FDI mới và 18 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký 208,56 triệu USD (cấp mới: 125,5 triệu USD, tăng vốn: 83,06 triệu USD), đạt 177% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 70% kế hoạch năm; thu hút 5 dự án đầu tư trong nước (DDI) mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký 230,86 tỷ đồng, bằng 5% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 33% kế hoạch năm 2022.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết các dự án thu hút mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đầu tư vào các lĩnh vực: sản xuất điện tử, linh kiện điện tử (5 dự án, chiếm 36% số dự án thu hút mới); sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy (1 dự án, chiếm 7% số dự án thu hút mới) và sản xuất lĩnh vực công nghiệp khác (8 dự án, chiếm 57% số dự án thu hút mới).

Hiện nay, tỉnh Vĩnh phúc có hơn 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, chiếm 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các khu công nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án ngành công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano; các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: cơ khí chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, công nghiệp phụ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới, đầu tư phát triển bất động sản khu công nghiệp,...

Đồng thời, dự kiến thu hút thêm 8-10 dự án FDI mới, vốn đăng ký đạt khoảng 80-100 triệu USD; thu hút thêm 3-5 dự án DDI mới với tổng vốn đăng ký khoảng 200-300 tỷ đồng. Đôn đốc tiến độ triển khai của các dự án, dự kiến có thêm khoảng 6-8 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 100 triệu USD, của các dự án DDI đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Xem thêm: Dự án metro số 1 TP. HCM: Lỗi hẹn, khó khăn bủa vây

Tin mới lên