Thị trường

Vinpearl Air đang chờ ý kiến của 5 bộ trước khi trình Thủ tướng

(VNF) - Hồ sơ của Vinpearl Air sẽ được trình lên Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính để xin ý kiến trước khi chuyển lên UBND TP. Hà Nội để trình Thủ tướng.

Vinpearl Air đang chờ ý kiến của 5 bộ trước khi trình Thủ tướng

Hồ sơ của Vinpearl Air sẽ được chuyển lên UBND TP. Hà Nội để trình Thủ tướng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết cơ quan này đã nhận được văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư kèm theo hồ sơ của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã gửi hồ sơ của doanh nghiệp này tới các bộ ngành liên quan, gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính để xin ý kiến.

Khi nhận được hồ sơ, các bộ sẽ xem xét và có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air theo nội dung quản lý và các vấn đề khác. Từ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ tổng hợp và chuyển lên UBND TP. Hà Nội để trình Thủ tướng phê duyệt do hàng không là ngành đặc thù.

Sau khi lấy ý kiến của 5 bộ và trình Thủ tướng phê duyệt, Cục hàng không Việt Nam sẽ nhận hồ sơ của doanh nghiệp để cấp phép bay.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, Vinpearl Air được thành lập ngày 22/4/2019, có trụ sở chính tại tầng 2 khu Almaz Market, đường Hoa Lan, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội). 

Theo đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972) - Chủ tịch HĐQT công ty. Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty Cổ phần phát triển du lịch VinAsia (45%), ông Hoàng Quốc Thủy (30%) và ông Phạm Khắc Phương (25%).

Sau khi thành lập công ty là vận tải hành khách hàng không Vinpearl Air, Tập đoàn Vingroup cũng đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn CAE (Canada) để thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre).

Trong đó, VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm.

Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác.

Việc tuyển sinh dự kiến sẽ được tiến hành ngay trong tháng 8/2019.

Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo Airways. Ngoài Thiên Minh, Vietstar Airlines và Vietravel Airlines cũng đang rất tham vọng để trở thành hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Vietstar Airlines vẫn đang chờ được cấp phép bay dù được thành lập từ giữa năm 2016 với mức vốn 300 tỷ đồng. Đầu tháng 6, Vietravel cũng đã trình hồ sơ thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng của công ty du lịch này.

Tin mới lên