Tiêu điểm

Vinpearl Safari và những rắc rối của doanh nghiệp lớn về bảo tồn tự nhiên

(VNF) - Trong những năm qua, không ít lần các tập đoàn, công ty lớn tại Việt Nam phải đối mặt những thông tin, vụ việc không mấy tốt đẹp xung quanh vấn đề bảo tồn tự nhiên và môi trường.

Vinpearl Safari và những rắc rối của doanh nghiệp lớn về bảo tồn tự nhiên

Vingroup và thông tin hàng ngàn thú chết tại Vinpearl Safari Phú Quốc

Ngày 15/2/2016, trang blog Zoo News Digest đã đăng tải một bài viết có tựa đề "Tin chấn động từ Phú Quốc Safari với chi tiết 1.000 con chim và gần 700 động vật có vú, trong đó có 20 con hươu cao cổ, đã chết do ký sinh trùng và bệnh tật,... thêm vào đó, khoảng 500 con khỉ và nhiều loài chim đã trốn thoát, đồng thời Vinpearl Safari Phú Quốc đem về nuôi vượn, tê tê không rõ nguồn gốc.

Tác giả bài viết là Peter Dickinson tự giới thiệu là một chuyên gia về vườn thú với 49 năm kinh nghiệm đang làm việc tại Dubai. Zoo News Digest là một trang blog được thành lập từ năm 1998, số lượng bài viết rất lớn và tương đối có uy tín.

Thông tin từ blog ngay lập tức gây sự chú ý của nhiều người, mạng xã hội, kể cả một số cán bộ của các tổ chức phát triển và một số nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam.

Trước thông tin này, ngày 21/2/2016, Tập đoàn Vingroup (chủ đầu tư Vinpearl Safari Phú Quốc) đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định: "thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật".

Vingroup cho hay: "135 con khỉ nhỏ (nguồn gốc Việt Nam, mỗi con khỉ có trọng lượng từ 150gr -200gr) đã thoát khỏi các chuồng khỉ do thiết kế ô lưới dự kiến dành cho các loại khỉ to hơn". Phía Vinpearl nói đây là loài khỉ bản địa phân bố tự nhiên tại Phú Quốc. Ngoài số khỉ này thì Vinpearl Safari khẳng định không có loài thú nào chạy thoát ra khỏi vườn thú mới đi vào hoạt động hai tháng của họ. 

Đồng thời, sau một thời gian đi vào vận hành có hơn 100 cá thể gồm chim và thú bị chết do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển dài, các cá thể bị giảm sút sức khỏe, chưa thích nghi được với môi trường, thổ nhưỡng và khí hậu...

Vingroup cho biết Vinpearl Safari Phú Quốc đang trong giai đoạn 1 với khoảng 3.000 cá thể động vật thuộc 150 chủng loài, trong đó có các loại thú quý hiếm (đều có giấy CITES) gồm linh dương sừng thẳng Ả Rập, hổ, sư tử, vượn cáo đuôi khoang, vượn cáo trắng đen, tê giác, voi…

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng khẳng định thông tin hàng ngàn thú chết, sổng chuồng tại Vinpearl Safari Phú Quốc là hoàn toàn sai.

Cũng theo Sở này, số thú chết chỉ có 108 cá thể do ảnh hưởng từ quá trình vận chuyển, giảm sút sức khỏe, chưa thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của Việt Nam. Không có động vật quý hiếm bị chết như: sử tử, hổ, báo, tê giác; đồng thời khẳng định số thú sổng chuồng thực tế chỉ có 135 cá thể là khỉ đuôi dài còn nhỏ.

Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại Gành Dầu, Phú Quốc chính thức khai trương ngày 24/12/2015 là vườn thú bán hoang dã đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Bầu Đức bị cáo buộc "phá rừng"

Ngày 13/5/2013, tổ chức hoạt động vì môi trường Global Witness (GW) đã công bố báo cáo mang tên "Rubber Barons" (Những ông trùm cao su). Theo đó, tổ chức này cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tham gia vào nhiều hoạt động phá rừng, chiếm đất tại Lào và Campuchia.

Được biết, 80% ngân sách hoạt động của Global Witness do tỷ phủ nổi tiếng George Soros cùng Chính phủ các nước Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Nauy và Ailen đóng góp .

GW cho rằng, sau khi được nhượng đất để trồng cao su, các công ty đã phá rừng và vận chuyển gỗ về Việt Nam, đồng thời lấn ra khỏi khu vực được nhượng đất. Dân địa phương phải đối mặt với sự nghèo đói vì mất rừng, mất đất trồng lúa.

Trước những cáo buộc trên của GW, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (thường được gọi là bầu Đức) đã tổ chức họp báo để nói rõ về hoạt động đầu tư của HAGL tại Lào và Campuchia và cho rằng, các cáo buộc là "bịa đặt".

Bầu Đức khẳng định các hoạt động đầu tư của tập đoàn vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Lào, Campuchia đã tuân thủ theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng. Ông Đức nhấn mạnh: "HAGL không tham gia vào việc khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của HAGL". 

Ông Đức cũng cho rằng HAGL đã tạo hơn 20.000 việc làm cho người dân hai nước, góp phần cải thiện điều kiện sống và tạo thu nhập cho người dân.

Trong một cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC); Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) diễn ra hồi tháng 7/2013 về hoạt động đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp Việt Nam tại hai quốc gia sở tại, chính quyền các địa phương của Lào, Campuchia đều khẳng định doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư các dự án nông lâm nghiệp đều chấp hành nghiêm quy định pháp luật của nước sở tại dưới sự giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng.

Phiên giao dịch ngày 14/5/2013, thời điểm cáo buộc "phá rừng" được lan truyền rộng rãi, cổ phiếu HAG của HAGL rớt điểm mạnh, mất 1.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng đánh mất khoảng 6% xuống còn 21.400 đồng/cổ phiếu. Theo đó, tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức (311,6 triệu cổ phiếu HAG) cũng "bốc hơi" chóng mặt hơn 436 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, tới ngày 15/5/2013, đà giảm của HAG chững lại, HAG chỉ giảm 200 đồng/cổ phiếu, tương ứng 0,9% và phục hồi lên 21.900 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 16/5.

Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải

Vụ Công ty Vedan Việt Nam xả chất thải ra sông Thị Vải là vụ gây ô nhiễm môi trường được Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát hiện ngày 13/9/2008.

Dù đã có thông tin từ phía người dân về việc Vedan xả thải ra sông Thị Vải và dù đã từng có "tiền án" hơn 2 năm trước đó, nhưng cơ quan chức năng là Cục Cảnh sát môi trường cùng đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải mật phục ròng rã 3 tháng trời mới bắt được quả tang Vedan xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải. 

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát môi trường trước khi bắt quả tang vụ việc trên, chỉ tính riêng tại Công ty Vedan, có thời điểm đã thải ra sông Thị Vải khoảng 50.000m3 nước thải/ngày đêm.

Đoàn kiểm tra phát hiện công ty đã lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật xả trực tiếp một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải. Chất thải bị đổ xuống sông chủ yếu là dịch thải lỏng chứa nước mật rỉ đường và các chất đặc sau khi chế biến từ các bể chứa lớn có dung tích 6.000-15.000 m3. Hệ thống đường ống xả nước thải được thiết kế đi chìm, có trụ bơm cắm sâu xuống lòng sông Thị Vải, tránh không bị phát hiện. Hệ thống xả nước thải của Công ty Vedan được lắp đặt không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Ngay sau khi bắt quả tang, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, đại diện lãnh đạo Công ty Vedan đã ký vào biên bản thừa nhận sự việc và các sai phạm của mình. 

Ngày 6/10/2008, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Vedan phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, đền bù cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do vi phạm của công ty.

Ngày 13/10, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, kiên quyết tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan.

Hành vi xả nước thải có chứa nhiều chất độc hại chưa qua xử lý ra sông Thị Vải của đơn vị này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng ô nhiễm đến mức báo động của dòng sông này trong những năm qua.

Tin mới lên