Tài chính

VN-Index dứt chuỗi phá đỉnh, thị trường tiếp tục phân hóa theo quy mô vốn hóa

(VNF) - Thống kê 3 tháng qua cho thấy chỉ số VNSML-Index đã tăng tới 41%, VNMID-Index đã tăng 20% trong khi VN30-Index chỉ tăng chưa tới 4%.

VN-Index dứt chuỗi phá đỉnh, thị trường tiếp tục phân hóa theo quy mô vốn hóa

VN-Index dứt chuỗi phá đỉnh, thị trường tiếp tục phân hóa theo quy mô vốn hóa

Phiên 9/11, thị trường chứng khoán một lần nữa chứng kiến sự phân hóa theo quy mô vốn hóa. Cụ thể, chỉ số VN30-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hóa lớn) giảm 0,56%, trong khi chỉ số VNMID-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hóa vừa) tăng 0,77% và chỉ số VNSML-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng 0,49%.

Nhìn lại 3 tháng qua, chỉ số VN30-Index gần như đi ngang nhưng chỉ số VNMID-Index và VNSML-Index lại bứt tốc. Điều này có thể dễ dàng thấy được khi nhìn vào khoảng giữa 8/2021, chỉ số VN30-Index và VNSML-Index bằng điểm nhau nhưng đến phiên 9/11, chỉ số VN30-Index chỉ ở mức 1.527,13 điểm còn VNSML-Index đã lên đến 1.961,87 điểm.

Tính ra, trong 3 tháng gần đây, chỉ số VNSML-Index đã tăng 41%, VNMID-Index đã tăng 20% trong khi VN30-Index chỉ tăng chưa tới 4%.

Chỉ số VN30-Index lép vế hoàn toàn so với VNMID-Index và VNSML-Index. Nguồn đồ thị: TradingView

Trở lại với phiên 9/11, chỉ số VN-Index giảm 6,07 điểm, tương đương 0,41%, xuống 1.461,5 điểm, qua đó chấm dứt chuỗi 2 phiên phá đỉnh liên tiếp. Sắc đỏ lấn át sắc xanh với 253 mã giảm giá trên sàn HoSE so với 200 mã tăng giá.

Đi vào từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng phân hóa khá rõ. Ở phía tăng điểm, tiêu biểu có HDB tăng 2,59%, EIB tăng 1,19%, còn lại CTG, MBB, ACB, VIB, LPB, STB đều chỉ tăng nhẹ chưa tới 1%. Ở chiều ngược lại, SHB giảm tới 6,13% trong khi BID mất 2,05% giá trị; VPB, OCB và VCB cũng đều giảm trên 1%.

Tương tự, nhóm chứng khoán ghi nhận sắc xanh ở VND với mức tăng 2,66%, VIX tăng 4,11%, CTS tăng 4,32%... nhưng SSI lại giảm 0,45%, VCI giảm 0,28%, HCM giảm 1,25%...

Với các cổ phiếu bất động sản, xu hướng cũng là phân hóa, trong đó nổi bật nhất là HDC và LDG khi ghi nhận mức tăng kịch trần.

Đối với nhóm sản xuất, sắc đỏ bao phủ các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG giảm 0,53%, VNM giảm 1,1%, MSN giảm 2,76%, GVR giảm 0,25%. Nhìn chung, số cổ phiếu giảm vượt trội hơn hẳn số cổ phiếu tăng.

Bi đát hơn nữa là các ngành năng lượng, hàng không và bán lẻ khi GAS giảm tới 3,09%, POW giảm 1,91%, PLX giảm 0,37%; VJC và HVN giảm lần lượt 0,61% và 0,4%; MWG và PNJ lần lượt mất đi 1,22% và 1,85% giá trị.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE ở mức cao, đạt 28.530 tỷ đồng.

Tin mới lên