Tài chính

VN-Index tăng gần 10 điểm trong phiên đầu tuần, tâm điểm HPG

(VNF) - VN-Index đã khởi động tuần mới với phiên tăng điểm tích cực. HPG trở thành tâm điểm với phiên tăng trần cùng dư mua hàng triệu đơn vị. Ngay trong phiên giao dịch, hoa hậu Mai Phương Thúy đã bất ngờ chia sẻ quan điểm của cô về cổ phiếu HPG.

VN-Index tăng gần 10 điểm trong phiên đầu tuần, tâm điểm HPG

VN-Index tăng gần 10 điểm trong phiên đầu tuần, tâm điểm HPG

Trái với kỳ vọng của giới phân tích, VN-Index đã khởi động tuần mới với phiên tăng điểm tích cực. Cụ thể, kết phiên 18/5, chỉ số sàn HoSE tăng 9,98 điểm lên 837,01 điểm, tương đương tăng 1,21%.

Tâm điểm của hôm nay là HPG với phiên tăng trần ấn tượng kèm dư mua lên đến 2,3 triệu đơn vị. Trước đó, thông tin về triển vọng kinh doanh khả quan của Hòa Phát đã được ban lãnh đạo tập đoàn này tiết lộ: bất chấp Covid-19, Hòa Phát vẫn dự kiến lợi nhuận năm 2020 lên đến 9.000 - 10.000 tỷ đồng, nghĩa là cao hơn mức thực hiện năm 2019.

Cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt ghi nhận sắc xanh. "Đầu tàu" HPG tăng mạnh 3,29%, trong khi BID tăng nhẹ 0,78% và CTG tăng 2,15%. Tăng mạnh phải kể đến VPB với mức tăng lên đến 5,24%. TCB cũng tăng khá với 1,98%, trong khi MBB khá yếu, chỉ tăng 0,59%.

Bộ ba cổ phiếu "họ Vin" diễn biến trái chiều. VIC giảm nhẹ 0,52% trong khi VHM tăng nhẹ 0,42%, còn VRE tăng 1,87%.

Nhóm ngành sản xuất, ngoài HPG thì không có đại diện nào nổi bật. VNM, SAB, MSN, VEA lần lượt tăng nhẹ 0,27%, 0,46%, 0,64% và 0,5%. BHN, MCH giảm nhẹ lần lượt 0,54% và 0,44%.

GAS - "đầu tàu" nhóm cổ phiếu dầu khí - hồi phục tốt với mức tăng 3,67%. Trái lại, nhóm hàng không diễn biến không mấy tích cực khi VJC đứng giá tham chiếu, còn ACV và HVN giảm lần lượt 0,83% và 1,83%.

Ở nhóm bán lẻ, MWG tăng mạnh 4,14%, PNJ cũng tăng khá với 2,42%. Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục diễn biến phân hóa.

Toàn sàn HoSE có 206 cổ phiếu tăng giá, 56 cổ phiếu đứng giá và 156 cổ phiếu giảm giá.

Liên quan đến cổ phiếu HPG, hoa hậu Mai Phương Thúy ngay trong phiên giao dịch đã chia sẻ quan điểm vì sao cô chọn cổ phiếu này vào danh mục đầu tư lâu nay.

Theo Mai Phương Thúy, đội ngũ điều hành, chất lượng sản phẩm, và tình hình tài chính là những điểm nên nhìn để xem chất lượng của doanh nghiệp.

Mai Phương Thúy nhấn mạnh Hòa Phát có lẽ là một trong những đội ngũ hiếm có của doanh nghiệp Việt Nam. "Họ làm với nhau từ những ngày đầu đến tận hôm nay. Rất hiếm", cô nói.

Hoa hậu bày tỏ ấn tượng với mô hình quản trị của Hòa Phát, kết hợp giữa phân quyền và trách nhiệm nhưng lại trong một môi trường có một chút tính độc tài. Quan trọng hơn đối với cổ đông là mức độ liên kết lợi ích của ban lãnh đạo với Hòa Phát rất cao, do đó việc lợi nhuận bị luân chuyển đi nơi khác gần như chưa bao giờ là cái rủi ro khiến nhà đầu tư lo lắng.

"HPG là công ty rất lớn nhưng không bị cồng kềnh và chậm chạp, nó hoàn toàn có tốc độ , độ rướn và sự linh hoạt như một công ty nhỏ. Hãy nhìn vào các mảng mà Hòa Phát đã và đang làm. Không năng động và tốc độ thì quên đi cái cảng biển nước sâu, không quyết liệt thì làm gì có mảng nông nghiệp sau vài năm đã vào hàng top. Việc làm Dung Quất đã cho thấy năng lực triển khai Tỷ lệ trả nợ vay qua thấp so với lợi nhuận và doanh số", Mai Phương Thúy nêu quan điểm.

Dẫn chứng, vị hoa hậu kiêm nhà đầu tư nhấn mạnh Hòa Phát có dòng tiền tốt nên lãi suất vay quá tốt (5,7%). Trong khi hiệu quả đầu tư ngay cả trong năm 2019 cũng đã tốt rồi và Dung Quất có thể xem là đã thành công bước đầu.

"Nhìn hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của HPG tầm 0,69 là quá tốt cho một doanh nghiệp đang tăng 3-3,5 lần công suất. Thậm chí, HPG sẽ trả cổ tức tiền mặt cho năm nay. Với tình hình đang diễn ra, HPG nếu muốn có thể trả hết nợ trong 3-4 năm tới. Tất nhiên là HPG sẽ không làm vậy", Mai Phương Thúy nhận định.

Ở góc cạnh nào đó, theo Thúy, xu hướng giảm lãi suất tại Việt Nam cũng như thế giới đang có lợi cho các doanh nghiệp lớn có dự án tốt và vay mượn khá. HPG là một trong số đó.

Mai Phương Thúy cũng nhấn mạnh đến lợi thế cạnh tranh của Hòa Phát. Cô cho biết các công ty thép ở Miền Nam đầu tư công nghệ ò điện, giá thành cao, dẫn tới năng lực cạnh tranh thấp. Nguồn vốn sẽ không dồi dào để có thể mở rộng sản xuất. Trong khi đó, Dung Quất lại cho HPG một lợi thế cạnh tranh quá lớn: cảng biển, công nghệ và quy mô sản xuất.

"Với mức giá thấp hiện tại, rất khó cho các công ty thép trong miền Nam đẩy công suất lên. Hòa Phát sẽ là price-setter (người thiết lập giá - PV) trong miền Nam trong thời gian tới. Do đó, các bạn đừng quá lo lắng về thị phần của HPG", Mai Phương Thúy khuyên.

Theo cô, với năng lực cạnh tranh hiện tại, Hòa Phát có thể cạnh tranh về giá thành với các nhiều công ty thép tầm trung tại Trung Quốc, đây là điều mà trước đây 5 năm, chúng ta khó có thể nghĩ ra.

"Đầu tư vào một ngành được xem là quan trọng của quốc gia cũng là một lợi thế. Thép đang và sẽ là ngành được bảo hộ. Các bạn thử nghĩ một công ty có giá thành thấp nhất, nắm hơn 40%-42% thị phần chắc sẽ xảy ra vào năm 2021, chất lượng sản phẩm tốt, lợi thế của nó lớn đến mức nào?", cô đặt câu hỏi.

Điểm thứ ba Mai Phương Thúy lưu ý là tính chu kỳ. Cô nhận định hai năm qua là giai đoạn khó cho HPG, bao gồm: khó về việc tăng 3 lần công suất; khó ở việc xây và vận hành một cụm nhà máy lớn như vậy, chưa tính thêm cảng nước sâu; khó ở câu chuyện của ngành; khó ở việc chuyện vay mượn thêm khá nhiều trong một thời gian ngằn làm một số nhà đầu tư lo lắng về rủi ro tài chính của công ty; khó ở điểm phần lớn các chuyên viên/gia phân tích đều quá tích cực về lợi nhuận HPG rồi phải thất vọng hạ mức dự báo.

"Nay Hòa Phát đã khác: nhà máy đã chạy; doanh số đã tăng, thị phần tốt hơn kỳ vọng của phần lớn; thị trường miền Nam có vẻ không làm khó được Hòa Phát; phần lớn các chuyên viên phân tích sẽ đánh giá lợi nhuận HPG từ khá đến rất thấp so với kết quả 2020", cô cho biết.

"Khi nhìn vào Hòa Phát 5 năm trước, Thúy cũng đã nhớ về giai đoạn HPG khi làm Hải Dương vào 2010-2013. Có lẽ chu kỳ của Hòa Phát với Dung Quất có vài nét tương đồng với Hải Dương. Và đây cũng là đoạn VNM vượt vũ môn với mega-factory vào năm 2013-14", cô chia sẻ.

Mai Phương Thúy cũng đề cập đến câu chuyện đầu tư công như là một điểm làm đậm thêm sức hấp dẫn của Hòa Phát. Bên cạnh đó, nhà đầu tư này cũng đánh giá cao triển vọng lợi nhuận của Hòa Phát.

Cuối cùng là định giá, theo Mai Phương Thúy, EV/EBITDA của HPG năm 2020 ước tính ở mức 5,2-5,4 lần, trong khi các công ty thép trong khu vực với lợi thế cạnh tranh kém hơn và giai đoạn phát triển khác nhau thì cũng đã khoảng 6-6,5 lần bình quân.

Chốt lại, Mai Phương Thúy nhận định Hòa Phát là "một doanh nghiệp có quản trị tốt, có lợi thế cạnh tranh rất lớn, có giá thành quá thấp so với đối thủ, đang vào một chu kỳ mới về nhiều mặt và có một câu chuyện hay ho để kể với một định giá hời".

Tin mới lên