Diễn đàn VNF

VNF cuối tuần: Khát vọng tỷ phú trong câu hỏi khó của Shark Vương

(VNF) - Liên hệ từ cuộc tranh luận xung quanh phát biểu của một ĐBQH về việc “phim Người phán xử làm gia tăng tội phạm”, doanh nhân Trần Anh Vương (Shark Vương) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư BVG đặt ra câu hỏi bày tỏ khát vọng đất nước có thêm nhiều tỷ phú để xây dựng đất nước hùng cường: “Phim gì sẽ làm cho số tỷ phú nhiều lên, đất nước mạnh giàu?”.

VNF cuối tuần: Khát vọng tỷ phú trong câu hỏi khó của Shark Vương

Doanh nhân Trần Anh Vương

Trước đó, tại phiên thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã lấy ví dụ về việc phim ảnh có thể khiến người xem nhận thức sai và bắt chước. “Sau khi chiếu Người phán xử, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều”, ông Tới cho biết.

Phát biểu này hiện đang đưa tới nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội

Từ sự việc trên, Shark Vương đặt ra câu hỏi trên trang cá nhân: “Nếu phim Người phán xử làm tăng tội phạm thì phim gì sẽ làm cho số tỷ phú nhiều lên, đất nước mạnh giàu?”.

Trên thực tế, đã có nhiều tỷ phú – doanh nhân đưa tên tuổi, hàng hóa, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới và được thế giới ghi nhận. Họ cũng là những người đã góp phần tạo dựng nên hình ảnh con  người Việt Nam thời kỳ mới, tự chủ, năng động, khát vọng và bản lĩnh.

Năm 2013, lần đầu tiên một cái tên Việt Nam được vinh danh trong danh sách tỷ phú thế giới là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Ông Vượng được Forbes lần đầu công nhận tỷ phú với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Kể từ đó, ông luôn có mặt trong danh sách của Forbes và luôn dẫn đầu trong danh sách tỷ phú của Việt Nam.

Kể từ đó, đã có thêm nhiều doanh nhân lọt top tỷ phú USD toàn cầu. Tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đang có 6 tỷ phú USD với tổng tài sản lên tới 19,2 tỷ USD.

Đứng đầu danh sách là ông Phạm Nhật Vượng với khối tài sản 8,1 tỷ USD. Tiếp đó là CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương. Đứng cuối cùng là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, hiện sở hữu khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD. Số lượng tỷ phú USD của Việt Nam cũng đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.

6 doanh nhân Việt lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới

Quốc gia nào cũng vậy, để đi lên cần có những tỷ phú dẫn dắt các doanh nghiệp “đầu đàn”, đủ sức tạo ra chuỗi giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Ngoài việc đóng thuế cho nhà nước, các tỷ phú còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Đơn cử như trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 hiện nay.

Đứng đầu trong "bảng vàng" chống dịch là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tính riêng trong năm nay, Tập đoàn Vingroup đã ủng hộ trực tiếp 480 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ; tài trợ 20 tỷ đồng cho chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng ngừa Covid-19 "Made in Vietnam" COVIVAC; trao tặng cho bộ Y tế 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test trị giá hơn 460 tỷ đồng… 

Tháng 6/2021, nữ tỷ phủ Nguyễn Thị Phương Thảo đã ủng hộ 100 tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Bà Thảo cũng hỗ trợ hơn 70 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch ở TP. HCM trong những ngày giãn cách.

Tỷ phú Trần Bá Dương cùng với Thaco cũng đã ủng hộ tham gia phòng chống dịch Covid-19 cùng Chính phủ, Bộ Y tế cùng địa phương khác trên cả nước với kinh phí gần 800 tỷ đồng…

Có thể nói, trong cuộc chiến chống Covid-19 không thể không nhắc đến vai trò của các doanh nhân tỷ phú.

Theo dữ liệu từ báo cáo Wealth Report 2021 của công ty tư vấn Knight Frank, năm 2020, Việt Nam có 19.419 triệu phú USD. Với lượng triệu phú này, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Nếu xét số lượng siêu triệu phú, hay còn được gọi là những người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN-6 (gồm 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á) với 390 người.

Theo Knight Frank, số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng mạnh từ nay đến năm 2025. Ước tính, tốc độ tăng triệu phú của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 32%, trong khi tốc độ tăng người siêu giàu với tổng tài sản trên 30 triệu USD là 31%.

Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 511 người sở hữu tài sản ròng trên 30 triệu USD. Ngoài ra số lượng người có tài sản ròng trên 1 triệu USD tăng lên 25.812 người.

Sự lớn lên của cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp chắc chắn sẽ là nền tàng để cả nền kinh tế cất cánh, và khi "hữu sự", quốc gia mới có nguồn lực để xử lý. Khát vọng của ông Trần Anh Vương cũng là khát vọng chung của người Việt: không phải chỉ là một "bộ phim" nào cụ thể mà cái chúng ta cần là một tinh thần kinh doanh được đắp xây vững chắc trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Doanh nhân Trần Anh Vương sinh năm 1972, tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư BVG; thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (NDP) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN).

Tên gọi Shark Vương của ông được ra đời khi ông trở thành một trong những nhà đầu tư của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1. Ông Trần Anh Vương chính là người đã mang chương trình dành riêng cho các startup nổi tiếng này về Việt Nam. Tuy nhiên, ông chỉ tham gia một mùa của chương trình và lui về hậu trường trong những mùa tiếp theo.

Tin mới lên