Bất động sản

VNF cuối tuần: 'Năm tới, ta bay Vân Đồn nhé!'

(VNF) - VietnamFinance giới thiệu bài viết của Nhà văn Nguyễn Thành Phong về tương lai phát triển của Vân Đồn, nơi đã và đang hình thành một đặc khu kinh tế với điểm nhấn là sân bay Vân Đồn đang từng bước được hoàn thành

VNF cuối tuần: 'Năm tới, ta bay Vân Đồn nhé!'

"Năm tới, ta bay Vân Đồn nhé!". Tôi đọc đi đọc lại cái tin nhắn của anh bạn cùng học đại học với tôi ngày nào. Chưa hiểu rõ ý tứ lắm, tôi bốc máy gọi lại. Bạn tôi cười khà khà, rồi nói dài, như reo vui: "Vân Đồn sắp có sân bay rồi! Tết tới ông xuống đây thực hiện kế hoạch mình đã bàn. Tôi có bổ sung là ta sẽ cất cánh từ sân bay Vân Đồn, đi thăm thú rồi về, lại hạ cánh ở Vân Đồn. Hai lần ngồi máy bay lên xuống, tha hồ ngắm vịnh Bái Tử Long và Hạ Long từ trên cao, cho thỏa con mắt đã, sau đó ta mới đi điền dã".

Tôi ngồi ngây ra vì tin này. Đã nghe nói, đã mong ước, bàn luận nhiều, vậy mà bây giờ hiện thực ấy sắp hiện ra, lại có cảm giác như đang ở giữa một giấc mơ.

Nguyễn là bạn đồng môn với tôi ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh học trước tôi một năm, khoa Vô tuyến điện. Chúng tôi cùng một nhóm bạn trong trường đại học có sở thích văn học, yêu thơ và tập làm thơ. Sau này, một số trong nhóm ấy đã thành danh, có những tác phẩm được công bố, bạn đọc ít nhiều biết tới tên tuổi. Nguyễn với tôi còn có một đam mê nữa, đó là thích nghe nhạc cổ điển. Cũng không biết gì nhiều và bài bản lắm về nhạc cổ điển, thích thì lặng yên tìm nghe, lặng đi mà thưởng thức và tưởng tượng. 

Có một lần, đi đâu đó dưới con phố Hàng Chuối, Nguyễn nghe thấy tiếng đàn piano vọng từ gác cao của một căn nhà vương xuống hè phố đêm, anh dừng lại... "Đêm tôi đi qua con phố nhà em/Tiếng dương cầm cứ níu chân tôi lại" – Câu thơ đầu tiên trong bài thơ tình ấy của Nguyễn đã mở đầu cho một cuộc theo đuổi da diết với cô sinh viên khoa piano, Nhạc viện Hà Nội.

Nhưng đó là một cuộc tình đơn phương, chỉ từ phía Nguyễn. Anh tìm hiểu, biết được vài điều về cô sinh viên ấy, viết bao nhiêu thơ tình thả vào chiếc hộp thư con treo ở cửa nhà cô. Rồi cũng được cô chú ý, được nói chuyện chút ít cùng cô. Nguyễn kéo tôi nhiều lần sang Nhạc viện, những buổi cô biểu diễn báo cáo hay tham dự các cuộc thi, lần nào Nguyễn cũng cố xoay ra chút tiền còm, mua mấy bông hoa hồng đem tặng nàng... 

Nhưng cô sinh viên ấy đã có nơi có chốn. Nguyễn là một chàng trai nghèo, từ miền Trung ra Hà Nội học, dẫu cũng tài hoa trong mắt nhiều bạn cùng trường, nhưng "nước non" gì so với một cô gái xinh đẹp và tài năng, chơi piano, con nhà quan chức ở Thủ đô? Cuộc tình đơn phương, ào ạt ấy, rồi cuối cùng cũng phải kết thúc như một lẽ thường tình…

Tốt nghiệp đại học, Nguyễn tham gia khóa đào tạo sỹ quan dự bị điều khiển tên lửa và pháo phòng không. Rồi Nguyễn được chọn vào quân đội, được điều ra đóng quân ở đảo Cái Bầu. Đêm cuối cùng chia tay Hà Nội để đi nhận nhiệm vụ, 

Nguyễn rủ tôi, hai thằng đi bộ đến đứng dưới đoạn vỉa hè phố Hàng Chuối thân thuộc, lặng lẽ nghe tiếng đàn dương cầm thánh thót, dào dạt, rải xuống từ cửa sổ gác cao căn nhà ở thật gần mà vẫn rất xa…. Khuya, đàn đã gấp cánh lại rồi, Nguyễn bá vai tôi, bước đi cắm cúi, lặng lẽ như cố xa dần một ký ức… Lúc ấy, tôi nghĩ, cu này còn khổ đau dài lâu với mối tình đơn phương này…

Thật may, Nguyễn đã đóng quân ở đảo Cái Bầu. Cái Bầu, tên cũ gọi Kế Bầu, là tên của hòn đảo lớn nhất, cũng là trung tâm của quần đảo nơi vùng biển Đông Bắc đất nước mang tên Vân Đồn. Và tình yêu đất với người Vân Đồn đã dần dần xâm chiếm tâm hồn Nguyễn. Vân Đồn, với gần 600 hòn đảo thuộc huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. 

Những ngày đóng quân ở đấy, khi được nghỉ ngơi, Nguyễn rất ít khi về đất liền Cẩm Phả, mà theo ngư dân, theo thợ sơn tràng, đi rộng ra phía biển, đến các đảo xa để tìm hiểu cảnh vật và con người nơi đây. Rồi anh có người yêu, một cô gái nhà ở bến Cái Rồng. Nguyễn gọi tôi ra chơi, làm một chuyến điền dã. Hồi đó, cách đây đã ba mươi năm…

Phối cảnh đặc khu kinh tế Vân Đồn

Trong chuyến đi điền dã vùng Vân Đồn, Nguyễn say mê nói với tôi về lịch sử. Thì ra, con người đã có mặt trên các đảo của vùng biển đảo này rất sớm, từ thời kỳ đồ đá mới. Di chỉ khảo cổ Hang Soi Nhụ có trước cả Văn hóa Hạ Long. Nguyễn dẫn tôi đến thôn Ðá Bạc, thuộc xã Minh Châu, đứng trước khu mộ cổ thời nhà Hán. 

Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên, theo sử sách, năm 980 ở đây đã có đồn Vân (đồn Mây, sau thành tên Vân Đồn), trấn giữ vùng biển Đông Bắc của quân đội nhà Tiền Lê. Triều Lý, năm 1149, vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Ðồn. Trận Vân Đồn năm 1288 trên dòng sông Mang ở Quan Lạn, gắn liền với tên tuổi của danh tướng Trần Khánh Dư, quân dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng. Vân Đồn phát triển thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt, mở ra giao thương với các nước khu vực Đông Á và thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... 

Thương cảng Vân Đồn với các bến thuyền cổ, trung chuyển hàng hoá gồm hương liệu, gốm sứ, lâm thổ sản dọc sông Bạch Đằng, Cửa Lục cho tới các đảo Cống Đông, Quan Lạn. Tại đảo Cống Đông, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô thời Trần như chùa, tháp, nhiều di vật bia đá, lan can, chân kê cột... Đây là những minh chứng cho sự phát triển phồn thịnh thời nhà Trần. Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc.

Vân Đồn đã nhiều lần thay tên, có lúc là huyện, có lúc là châu. Tháng 12/1948, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập huyện Cẩm Phả (được tách ra khỏi thị xã Cẩm Phả). Huyện Cẩm Phả khi đó gồm 18 xã: Bản Sen, Bình Dân, Cô Tô, Cộng Hòa, Đài Xuyên, Ðoàn Kết, Ðông Xá, Hạ Long, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Tân Hải, Thạch Hà, Thắng Lợi, Thanh Lân, Văn Châu, Vạn Hoa, Vạn Yên. Năm 1981, thị trấn Cái Rồng được thành lập, sáp nhập xã Tân Hải vào xã Ngọc Vừng và sáp nhập xã Thạch Hà vào các xã Đông Xá, Hạ Long và thị trấn Cái Rồng.

Trong chuyến đi điền dã với Nguyễn, tôi có thật tròn đầy cái cảm giác về một vùng đất vùng biển rất nên thơ, trầm tích bao nhiêu giá trị lịch sử. Bao nhiêu tiếng gươm khua, tiếng giáo mác và máu đổ, mà tên đất, tên núi vẫn cứ hiền hòa, những Vạn Yên, Vạn Hoa, Chàng Ngo, Nàng Tiên, Thiên Nga… Rồi đến những tên mới, những Cộng Hòa, Đoàn Kết, Thắng Lợi… Tôi mừng cho Nguyễn tìm được ý trung nhân ở đây. Tuy nhiên, tôi nghi ngại khi Nguyễn bảo, sắp tới, Nguyễn ra quân, sẽ ở lại đây xây dựng cuộc sống mới và lập nghiệp. 

Tôi đã hiểu nhiều giá trị của vùng đất, vùng biển này, nhưng, nói thực, đây vẫn đang như là cô công chúa ngủ quên trong rừng, còn lâu lắm, biết đến bao giờ mới xuất hiện chàng hoàng tử đến đánh thức dậy được đây?

Nguyễn quả quyết nắm lấy tay tôi: "Mình sẽ ở đây để chứng kiến sự thay đổi lớn của Vân Đồn. Chắc chắn nó sẽ đến, không quá lâu nữa đâu!". Y lời, Nguyễn ra quân, cưới vợ, xin vào làm việc ở một hợp tác xã vạn chài. Rồi dần dần, anh chuyển qua làm du lịch, kiểu nhỏ lẻ, dẫn một vài nhóm khách đi điền dã vùng này như đi thám hiểm. Thu nhập không bao nhiêu, nhưng biển và rừng đầy sản vật, gia đình chẳng bao giờ đói, dù có nghèo khó, cuộc sống còn đơn sơ vật dụng. Hai vợ chồng có cậu con trai đầu lòng, bắt đầu mở mang kinh doanh du lịch, kết hợp với các cơ quan ở Cẩm Phả, Hòn Gai, có thêm nhiều khách, đã có của ăn của để.

Sau Tết năm 1994, Nguyễn lên Hà Nội chơi với tôi, khoe rối rít hai tin vui. Một là, Chính phủ đã quyết định thành lập huyện Vân Đồn, gồm cả vùng quần đảo Vân Đồn trước đây và phần đất còn lại khi thành lập thành phố Cẩm Phả. 

Nguyễn quả quyết rằng đây sẽ là điểm khởi đầu cho quá trình tăng tốc phát triển ở quê hương mới của anh, trước khi báo tin vui thứ hai: "Vợ tôi cũng vừa sinh thêm cô con gái. Cháu xinh đẹp lắm. Tôi đặt tên cháu là Vân Châu, để ghi nhớ việc thành lập huyện mới Vân Đồn". Nghe Nguyễn nói chuyện, tôi tin vào tình yêu với Vân Đồn của anh và bắt đầu để tâm theo dõi những bước chuyển biến ở vùng đất này.

Năm 2007, Khu kinh tế Vân Đồn được Chính phủ thành lập với mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ giải trí cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế. Ở đặc khu kinh tế này sẽ có một khu phi thuế quan thương mại tự do và một khu thuế quan. Đặc biệt, sẽ có Sân bay quốc tế Vân Đồn, có Cảng biển quốc tế Vạn Hoa.

Mấy năm gần đây, Quảng Ninh có những bước phát triển thần kỳ, táo bạo. Diện mạo một vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc lầm bụi than mỏ ngày nào, nay bỗng trở nên lung linh, đầy những sắc màu, điện sáng ngang trời. Tôi đã nhiều năm đi lại vùng mỏ này, bị ám ảnh bởi hình ảnh những con đường nhỏ hẹp, lầy bùn bụi vương trên cây cỏ đất đai, vương xạm cả mặt người. Những con đường ấy nay đã thênh thang, sáng loáng và sạch sẽ. 

Cả một vùng biển Bãi Cháy giờ đã lột xác với khu khách sạn, khu vui chơi mới, bãi tắm mênh mông, cáp treo lên đỉnh núi để phóng tầm mắt nhìn ra non xanh nước biếc. Bên kia là Tuần Châu sầm uất, tàu thuyền san sát đưa khách ra hòa vào lòng di sản thiên nhiên Hạ Long…

Mới đây, Nguyễn nói với tôi về con đường cao tốc nối Quảng Ninh với Hải Phòng sắp thông xe, sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội - Hạ Long chỉ còn độ non hai giờ ô tô. Anh hẹn Tết tới sẽ đón tôi xuống chơi Vân Đồn, nhân dịp con gái rượu Vân Châu của anh về nước sau khi tốt nghiệp khoa piano của một học viện âm nhạc danh tiếng ở Hungari. 

Tết tới, Nguyễn tròn 60 tuổi, anh muốn cùng tôi đi điền dã lại cung đường ngày xưa, ngắm Vân Đồn đã thay đổi thế nào, và tiện thể xem có ý gì hay góp cho cậu con trai cả của anh sắp tiếp nhận doanh nghiệp của bố, để chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, đón đầu những bước phát triển mới ở nơi đây.

Thi công đường băng trên sân bay Vân Đồn

Và bây giờ, bạn tôi lại báo cho tôi tin vui nữa về Sân bay quốc tế Vân Đồn. Cụm cảng hàng không quốc tế này có tổng mức đầu tư tới 7.500 tỷ đồng, diện tích tới gần 290 ha, gồm các hạng mục là đường băng, sân bay, nhà ga, bãi đỗ xe… 

Nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, 2 cao trình, công suất phục vụ ban đầu là 5 triệu hành khách/năm, đáp ứng được yêu cầu lưu lượng khai thác trước mắt và có thể mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai. Theo thông tin mới nhất từ nhà đầu tư, Tập đoàn Sun Group đang tập trung triển khai các hạng mục của dự án, đảm bảo đưa Sân bay Vân Đồn đi vào vận hành vào cuối tháng 2/2018.

Trong câu chuyện, bạn tôi nhiều lần cảm động, nhắc đi nhắc lại câu: "Ta bay từ Vân Đồn!", "Ta sẽ bay từ Vân Đồn, bạn ạ!".

Bạn tôi còn hỏi: "Ông đã bớt lãng mạn, hay bị sa sút trí tưởng tượng, mà ngạc nhiên với chuyện tôi nói như thế nhỉ?". Tôi bảo, không phải vậy, mà thực tế phát triển ở Vân Đồn nhanh quá. Nếu so với cả quãng thời gian dằng dặc ngủ quên từ thời nhà Mạc đến nay, thì có quá sức tưởng tượng, làm nhiều người ngạc nhiên, là rất đúng thôi.

Dứt câu chuyện về Sân bay Vân Đồn, tôi hỏi về cô bé Vân Châu. Cô bé mang trong mình niềm đam mê âm nhạc cổ điển của cha cô mà phát triển lên cao hơn nhiều. Ngay từ nhỏ, Vân Châu đã đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi piano ở trong nước và quốc tế. Cô là thành viên trẻ trong dàn nhạc châu Á. Vân Châu được cử đi học âm nhạc ở nước ngoài bằng học bổng của Chính phủ Việt Nam. Năm tới Vân Châu tốt nghiệp. "Nó chắc chắn sẽ tốt nghiệp loại xuất sắc", bạn tôi khẳng định thế. 

Tôi hỏi, thế ông đã biết Việt Nam sắp có một nhà hát giao hưởng và một dàn nhạc giao hưởng chưa, và có định cho con bé nhà ông tốt nghiệp về nước thi vào đây không? Tôi nói cho Nguyễn những thông tin mà tôi biết. Đó là Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra), nơi sẽ nuôi dưỡng và phát triển những tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam, mang đến cơ hội thưởng thức nhiều chương trình hoà nhạc được tổ chức thường xuyên, nhiều nghệ sỹ nổi tiếng thế giới sẽ đến đây để cùng trình diễn với dàn nhạc trong các buổi hoà nhạc đẳng cấp quốc tế dành cho khán giả trên khắp đất nước Việt Nam. 

Môi trường làm việc và biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra sẽ là một nhà hát Opera độc đáo, với những trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ và điều kiện cơ sở vật chất tiêu chuẩn quốc tế. Nhà hát Opera được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Renzo Piano, người được Hội đồng giám khảo Pritzker Prize - Giải thưởng được xem như giải Nobel kiến trúc, so sánh ngang với Leonardo da Vinci, Michelangelo và Brunelleschi. Ông Renzo Piano cũng là tác giả của những công trình nhà hát đã đi vào lịch sử kiến trúc hiện đại như Auditorium Parco della Musica tại Rome hay Auditorium Niccolo Paganini tại Parma (nước Ý)...

Giờ thì đến lượt Nguyễn ngạc nhiên: "Tôi thấy như một giấc mơ ấy, ông ạ. Đây chính là nơi mà tôi mong ước cho con gái tôi được cống hiến, được tỏa sáng". Khi tôi nói cho Nguyễn biết, cái nhà hát và dàn nhạc giao hưởng ấy, cũng là từ một chủ đầu tư, đã đầu tư làm Sân bay Vân Đồn, thì Nguyễn càng hứng khởi: "Đó là những điều thần kỳ có thật! Tôi tin những tài năng âm nhạc của Việt Nam sẽ tỏa sáng ở đây, như thực tế là năm tới, ta sẽ bay từ Vân Đồn ấy, bạn của tôi ơi!". 

Tin mới lên