Tài chính

VNM giảm mạnh, VN-Index lùi về sát ngưỡng 790 điểm

(VNF) - Thị trường hôm nay về cuối phiên giao dịch diễn ra không còn được tích cực đầu phiên, áp lực bán trên thị trường đã dâng lên mức khá cao và đẩy nhiều cổ phiếu Blue-chip lùi xuống dưới mốc tham chiếu

VNM giảm mạnh, VN-Index lùi về sát ngưỡng 790 điểm

Vn-Index đang ở mức sát 790 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,41 điểm xuống 791,57 điểm tương ứng mức giảm 0,18%, HNX-Index giảm 0,12 điểm xuống còn 102,28 điểm tương ứng mức giảm 0,12%, UPCOM-Index giảm 0,48 điểm xuống còn 55,19 điểm tương ứng mức giảm 0,86%. Thanh khoản hôm nay tích cực hơn phiên trước với 315 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị 4.876 tỷ đồng.

Áp lực bán trên thị trường tăng mạnh vào cuối phiên, đẩy VNM giảm mạnh 1,1% với thanh khoản khá cao đạt 1,2 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch hơn 182 tỷ đồng, cùng với đó, CTG giảm 1,5%, dù cho VCB và BID tăng nhẹ 0,9% và 0,4%, PLX tăng 1%, GAS tăng 0,6%, SAB tăng 1,6%...

Đa số cổ phiếu ngành ngân hàng chìm trong sắc đỏ như MBB giảm 1,7%, CTG giảm 1,5%, STB giảm 2,8%, SHB giảm 1,2%, VIB giảm 1,8%...Cũng như ngành ngân hàng, ngành chứng khoán cũng không mấy khả quan khi SSI giảm 1,3%, SHS giảm 1,8%, VIX giảm 2,5%, VCI giảm 0,8%, VND giảm 2,8% sau thông tin hội đồng quản trị đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2018 với vốn chủ sở hữu hơn 3.025 tỷ đồng, doanh thu thuần hơn 1.123 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng và cổ tức dự chi hơn 222 tỷ đồng.....Trong khi đó, AGR và BSI tiếp tục tăng trần.

Đáng chú ý, phiên hôm nay chứng kiến những giao dịch tích cực tại nhóm cổ phiếu ngành thép tại sàn HOSE. Cụ thể, HPG, HSG, NKG, TLH, POM… đều đồng loạt tăng mặc dù đa số đều chỉ có mức tăng nhẹ. Được biết, giá thép và quặng sắt Trung Quốc tăng do trữ lượng thép đang ở mức thấp trong khi nhu cầu tăng mạnh.

Mặc dù giá các sản phẩm thép của Trung Quốc đều trên 13 triệu đồng/tấn song tại Việt Nam hiện nay, giá mặt hàng thép xây dựng như thép cuộn hay thép cây đang được giao dịch quanh mức 11,1 triệu đồng/tấn. Hiện giá phôi thép trong nước đã tăng từ 10,7 triệu đồng/tấn lên gần 11 triệu đồng/tấn, gần bằng giá thép xây dựng bán ra.

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAI và HAR tiếp tục nối dài chuỗi tăng trần không ngừng nghỉ. HAI đang có hơn 20 phiên tăng trần gấp 5 lần so với giá tại thời điểm 4/7/2017. HAR cũng đang có phiên tăng trần thứ 7.

Trong khi đó, SBT tiếp tục giảm sàn xuống còn 33.850 đồng/cổ phiếu và dư bán giá sàn hơn 950 nghìn cổ phiếu. Bên cạnh đó, BHS cũng giảm sàn xuống 20.300 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu KDC giảm nhẹ 0,1% sau thông tin vào ngày 7/8/2017, hội đồng quản trị của Kido đã họp và đưa ra nghị quyết về việc chuyển nhượng 14,8% cổ phần sở hữu của KDC tại công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (mã chứng khoán: KDF), tương ứng với 8.288.000 cổ phiếu cho người lao động và đối tác chiến lược của công ty.

Cổ phiếu BII giảm 5,4% sau thông tin báo cáo tài chính quý II/2017 với kết quả doanh thu chưa đến 6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 337 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 710 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, BII đạt 13,4 tỷ đồng doanh thu, bằng 30% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 1,45 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Cổ phiếu GMC tăng 1% sau thông tin ngày 21/8 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2017, ngày đăng ký cuối cùng là 22/8. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 15%, thanh toán bắt đầu từ ngày 11/9.

Như vậy, VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng điểm trung - dài hạn. Tuy nhiên, dấu hiệu thận trọng cùa dòng tiền giao dịch đang khiến cho kịch bản "vượt đỉnh" của chỉ số trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý theo sát diễn biến của giá của các phiên sau để có thể ra quyết định phù hợp.

Nhà đầu tư trung – dài hạn vẫn có thể thực hiện chiến lược mua và nắm giữ với các cổ phiếu cơ bản tốt. Với nhà đầu tư lướt sóng, việc giảm tỷ trọng trong các phiên gần đây đã phát huy tác dụng bởi cơ hội mua lại ở vủng giá thấp sẽ xuất hiện khi thị trường lùi về khu vực hỗ trợ dưới.

Từ khoá: VN-Index, HNX-Index, UPCom-Index, VNM,
Tin mới lên