Tài chính tiêu dùng

VNPT EPAY, Vimass, True Money muốn ‘xét lại’ dự thảo nghị định thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN

(VNF) – Các công ty VNPT EPAY, Vimass, True Money đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại một loạt điều khoản trong dự thảo nghị định thanh toán không dùng tiền mặt.

VNPT EPAY, Vimass, True Money muốn ‘xét lại’ dự thảo nghị định thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN

VNPT EPAY, Vimass, True Money muốn ‘xét lại’ dự thảo nghị định thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN

VNPT EPAY muốn nới room ngoại tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Góp ý cho Khoản 3, Điều 5 của dự thảo nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty Cổ phần thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) đề xuất Ngân hàng Nhà nước bổ sung vào dự thảo quy định liên quan đến việc tổ chức trung gian thanh toán được phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (các dịch vụ trung gian thanh toán không thực hiện cấp Giấy phép như dịch vụ Cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ) cho các đơn vị chấp nhận thanh toán nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Theo đơn vị này, trên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ qua các website thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, eBay, Facebook hay Google… và thường lựa chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế. Một lượng lớn tiền tệ đã được chuyển ra nước ngoài, tuy nhiên nhà nước lại không thu được thuế nhà thầu liên quan đến việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị này.

Do vậy, VNPT EPAY đề xuất việc xem xét, bổ sung quy định tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cung cấp dịch vụ cho đơn vị chấp nhận thanh toán nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc nộp thuế nhà thầu thay cho đơn vị chấp nhận thanh toán nước ngoài trước khi chuyển trả tiền hỗ trợ thu hộ thu hộ cho các đơn vị này.

Cũng theo VNPT EPAY, dự thảo nghị định có quy định tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử phải hợp tác với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán.

Công ty này cho hay ngoài mô hình hợp tác ngân hàng – đơn vị trung gian thanh toán, hiện nay thị trường còn đang duy trì mô hình hợp tác giữa hai đơn vị trung gian thanh toán, hoặc giữa đơn vị trung gian thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Việc đàm phán, kết nối và triển khai hợp đồng với các ngân hàng mất rất nhiều thời gian, thông thường từ 1 – 3 năm. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị trung gian thanh toán, đặc biệt là các đơn vị trung gian thanh toán đang trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ.

Trong khi đó, việc ký kết hợp đồng với các cổng trung gian thanh toán khác lại tiết kiệm rất nhiều thời gian, mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia cũng như mang lại lợi ích cho khách hàng.

Do vậy, VNPT EPAY đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung quy định liên quan đến mô hình hợp tác cổng – cổng; mô hình hợp tác cổng – tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Theo đó, tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử phải hợp tác với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử để cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán.

Liên quan đến khoản 2, Điều 28 của dự thảo - tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và sở hữu gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ - VNPT EPAY cho rằng dự thảo cần làm rõ thế nào được coi là sở hữu gián tiếp trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và cần bổ sung cơ chế kiểm soát tỷ lệ này.

Ngoài ra, với thực tế là doanh nghiệp có 70% vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài, VNPT EPAY cho rằng việc áp dụng quy định này cần cân nhắc đến ảnh hưởng đến sự phát triển của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Hiện nay, hầu hết các dịch vụ do tổ chức trung gian thanh toán cung ứng đều dựa trên sự ưu việt của việc áp dụng các ứng dụng, công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Khi tiếp nhận đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty trung gian thanh toán nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về mặt công nghệ cũng như sản phẩm, dịch vụ, qua đó có thể tối ưu dịch vụ và mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi và an toàn trong quá trình sử dụng, góp phần thúc đẩy và lan tỏa chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.

“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng fintech tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển và là lĩnh vực hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài. Do vậy việc giới hạn tỷ lệ sở hữu có thể sẽ tạo ra tâm lý e ngại thị trường từ các nhà đầu tư nước ngoài”, VNPT EPAY nêu quan điểm.

True Money “chê” việc định danh khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng

Dự thảo nghị định của Ngân hàng Nhà nước định nghĩa tiền di động “là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động”.

Bình luận về khái niệm này, Công ty Cổ phần True Money Việt Nam chỉ ra rằng theo quy định trong dự thảo, ví điện tử phải định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng (chưa có quy định về trách nhiệm liên quan của ngân hàng) thế mà tiền di động lại được định danh chủ động nhờ vào dữ liệu khách hàng của chính bên cung cấp dịch vụ!

Chưa hết, đối với định nghĩa về ví điện tử - là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng -–True Money cũng cho rằng việc định danh là bất hợp lí.

Theo True Money, việc định danh khách hàng sử dụng ví điện tử có thể thông qua nhiều hình thức như eKYC, khách hàng đăng ký mở hồ sơ trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh, đại lý của trung gian thanh toán và trung gian thanh toán có thể áp dụng các quy trình, thủ tục KYC bao gồm CDD, EDD, cập nhật thông tin khách hàng tượng tự như quy trình, thủ tục của các ngân hàng.

Trong khi đó tài khoản ngân hàng chỉ là một kênh để xác minh thông tin khách hàng với ngân hàng. Vì vậy định nghĩa ví điện tử của dự thảo sẽ giới hạn việc mở và định danh khách hàng ví điện tử, tạo nhiều rào cản cho khách hàng trong việc đăng ký và sử dụng ví điện tử.

Ngoài ra, tỷ trọng người dân tại các vùng nông thôn không có tài khoản ngân hàng là khá lớn, trong khi mục tiêu của các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử là cung cấp giải pháp thanh toán thuận tiện cho đối tượng khách hàng này. Việc bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng làm giảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ trung gian thanh toán của khách hàng.

Đối với tập khách hàng đã có tài khoản ngân hàng, hiện nay dịch vụ ngân hàng số của các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp các dịch vụ thanh toán tương tự như ví điện tử.

Vì vậy nếu khách hàng đã có tài khoản ngân hàng thì hầu như không có nhu cầu sử dụng ví điện tử. “Việc quy định bắt buộc khách hàng sử dụng ví điện tử phải gắn liền tài khoản ngân hàng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ví điện tử. Thêm vào đó, yêu cầu khách hàng thực hiện quá nhiều thủ tục khi mở ví điện tử sẽ không hấp dẫn được khách hàng mới để mở ví điện tử”, True Money phân tích.

Bình luận về room ngoại trong các tổ chức trung gian thanh toán, True Money cho rằng việc hạn chế vốn của nhà đầu tư nước ngoài là không phù hợp vì các dịch vụ trung gian thanh toán là dịch vụ mới, các công ty cung ứng vẫn trong giai đoạn đầu tư và chịu lỗ. Thời hạn giấy phép là 10 năm là khá ngắn nên trong thời hạn giấy phép khó thu hồi vốn.

“Việc hạn chế này sẽ làm rào cản cho việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mà nhà đầu tư trong nước ít quan tâm hoặc còn rụt rè. Quy định này ảnh hưởng đến cả các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai đi ngược lại với chủ trương”, True Money bày tỏ.

Về phía Công ty Cổ phần dịch vụ nền di động Việt Nam (Vimass), Tổng giám đốc Trần Việt Trung chỉ đề nghị Vụ Thanh toán xem xét thay thế khoản 13 và 14 trong Điều 3 bằng khoản sau:

“Tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng hoặc định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động”.

Theo ông Trung, định nghĩa này nhất quán với các điều khoản khác trong dự thảo và cho phép các đơn vị trung gian thanh toán có thể phục vụ cả khách hàng có tài khoản tại ngân hàng và các khách hàng có thuê bao di động, không yêu cầu đơn vị trung gian thanh toán phải kinh doanh dịch vụ viễn thông mới được cung cấp dịch vụ tiền di động.

Tin mới lên