Tài chính

VNPT muốn sở hữu 20% vốn điều lệ của MobiFone

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, VNPT đã đề xuất được sở hữu 20% vốn điều lệ và được sử dụng một phần số tiền từ việc bán cổ phần của MobiFone để hỗ trợ cho VNPT trong các hoạt động của hệ thống VINASA, đồng thời bổ sung vốn điều lệ của Tập đoàn.

VNPT muốn sở hữu 20% vốn điều lệ của MobiFone

Ông Trần Mạnh Hùng đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho VNPT được sở hữu 20% vốn điều lệ của MobiFone. Ảnh: Việt Hải

Phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 4/8/2016, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT đã đưa ra đề xuất với người đứng đầu Chính phủ cho phép VNPT được sở hữu 20% vốn điều lệ của Tổng công ty MobiFone.

Ông Trần Mạnh Hùng còn đề xuất với Chính phủ cho phép VNPT được sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần của Tổng công ty MobiFone khi Bộ TT&TT cổ phần hóa Tổng công ty MobiFone nhằm hỗ trợ về nguồn vốn cho VNPT cho các hoạt động của hệ thống VINASAT, đồng thời bổ sung vốn điều lệ của VNPT khi thực hiện việc điều chuyển các đơn vị (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, MobiFone, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương, 2 Trường trung học BCVT&CNTT) về các bộ, ngành và các UBND tỉnh, thành phố mà chưa thực hiện cơ chế bù đắp.

Đây không phải là lần đầu tiên VNPT đưa ra kiến nghị này. Tại buổi làm việc mới đây với Bộ TT&TT, VNPT đã đưa ra đề xuất tương tự.

Trước đề xuất của VNPT, ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng trước mắt phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa MobiFone. Sau khi tiến hành cổ phần hóa xong, sẽ tính toán lại cấp lại cho VNPT bao nhiêu để bù đắp cho việc điều chuyển các đơn vị như: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, MobiFone, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương, 2 Trường trung học BCVT&CNTT về các bộ, ngành và các UBND tỉnh, thành phố.

Phát biểu chỉ đạo liên quan đến đề xuất của VNPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa MobiFone. Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT nghiên cứu về đề xuất của VNPT và trình Chính phủ.

Trước đó, hồi tháng 4/2014, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng quyết định chỉ tách riêng MobiFone ra khỏi VNPT chứ không kèm theo 62 doanh nghiệp yếu kém của tập đoàn này để sẵn sàng cổ phần hóa MobiFone. Sau khi cổ phần hóa MobiFone sẽ lấy nguồn lực để quay lại đầu tư cho VNPT.

"Khi MobiFone tách ra sẽ khó khăn với VNPT vì gánh nặng để lại cho VNPT rất lớn. Các đơn vị, ban, ngành thuộc Bộ TT&TT cần chia sẻ với VNPT, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho phù hợp", nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói. Đến tháng 7/2014, ông Mai Văn Bình, nguyên Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch MobiFone cho biết: "Mặc dù tách ra khỏi VNPT nhưng khi MobiFone cổ phần hóa, VNPT sẽ đề xuất được sở hữu tối đa 20% trong MobiFone. Đồng thời, hai bên vẫn coi nhau là đối tác, là anh em, hợp tác để tạo bước đột phá cùng phát triển".

Ông Bình cho hay, theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT sẽ xây dựng phương án sở hữu tối đa 20% khi MobiFone cổ phần hóa trình lên Bộ TT&TT để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đây là vấn đề đạo lý, uống nước nhớ nguồn. MobiFone 21 năm trực thuộc Tập đoàn VNPT, công lao của VNPT trong việc xây dựng và phát triển MobiFone rất lớn, nay tách ra hoạt động độc lập, Tập đoàn mong muốn sẽ có phần sở hữu trong MobiFone.

Ông Bình chia sẻ, những ngày đầu thành lập, MobiFone gặp muôn vàn khó khăn nhưng với sự giúp đỡ tận tình của các thế hệ lãnh đạo Tổng cục Bưu điện trước đây - nay là Bộ TT&TT, cũng như của các thế hệ lãnh đạo Tổng công ty VNPT trước đây và nay là Tập đoàn VNPT, cùng các đơn vị bạn cho nên MobiFone đã từng bước vượt qua được những khó khăn ban đầu, vươn lên bằng nghị lực, bằng truyền thống của người VNPT để tiến tới giành được những thành tựu đáng ghi nhận.

Tin mới lên