Thị trường

VNR dự kiến được bổ sung thêm ngành nghề sản xuất điện

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo gồm: ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; một số nội dung liên quan đến quản lý, đánh giá đối với người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

VNR dự kiến được bổ sung thêm ngành nghề sản xuất điện

VNR dự kiến được bổ sung thêm ngành nghề vận tải đa phương thức, sản xuất điện. Ảnh minh họa.

Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR quy định về ngành, nghề kinh doanh của VNR có nhóm ngành nghề kinh doanh chính và ngành, nghề có liên quan phục vụ ngành, nghề kinh doanh chính.

Trong đó, ngành nghề kinh doanh chính gồm: kinh doanh quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; vận tải đường sắt, đường bộ, đa phương thức; bảo trì, sửa chữa, cung cấp dịch vụ liên quan đến công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt; xây dựng công trình đường sắt, đường bộ; cho thuê, điều hành, quản lý nhà và đất không để ở; cho thuê máy móc, thiết bị; sản xuất động cơ, tuabin lĩnh vực đường sắt; dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch; đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; giáo dục khác...

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động VNR, doanh nghiệp này được bổ sung thêm một số ngành, nghề kinh doanh có liên quan phục vụ ngành, nghề kinh doanh chính, bao gồm: hoạt động kiến trúc; kiểm tra và phân tích kỹ thuật (tư vấn đầu tư xây dựng, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp và dân dụng); sản xuất, truyền tải và phân phối điện (điện gió, điện mặt trời)...

Tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất kinh doanh, VNR có thể bổ sung ngành, nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm sau khi được đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý đối với VNR, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thẩm quyền: Đề xuất Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của VNR; quyết định về nhân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên Kiểm soát viên VNR và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên; cử thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên VNR ra nước ngoài công tác, học tập, giải quyết việc riêng.

Bộ GTVT có thẩm quyền trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của VNR; phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh cho VNR; thực hiện kiểm tra, thanh tra việc đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.

Hội đồng thành viên VNR có số lượng không quá 7 người, làm việc theo chế độ tập thể. VNR có các đơn vị trực thuộc, các công ty con, công ty liên kết. VNR có Tổng Giám đốc và không quá 5 phó tổng giám đốc, với điều kiện bổ nhiệm được quy định tại Nghị định.
 

Tin mới lên