Bất động sản

Vốn 200 tỷ đồng, nợ đọng 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp 'còng lưng' trả lãi

(VNF) – Nợ đọng đang là vấn đề nhức nhối của ngành xây dựng. Có những doanh nghiệp vốn chỉ 200 – 300 tỷ đồng nhưng nợ đọng lên đến 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp do vậy phải "còng lưng" trả lãi ngân hàng và đứng trước nguy cơ phá sản.

Vốn 200 tỷ đồng, nợ đọng 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp 'còng lưng' trả lãi

Nợ đọng xây dựng có thể lên tới hơn 40.000 tỷ đồng

Nợ đọng xây dựng có thể lên tới 2 tỷ USD?

Vào thời điểm 31/12/2014, nợ đọng xây dựng của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG)  là 2.346 tỷ đồng. Sau 2 năm, số nợ này giảm xuống còn 1.185 tỷ đồng. Dù nợ đã giảm, nhưng giá trị vẫn còn rất lớn, khiến VCG "nhấp nhổm" không yên.

Tổng công ty 319 cũng ở trong tình trạng tương tự khi đang "ôm" khối nợ đọng lên đến 1.860 tỷ đồng, bằng 200% vốn chủ sở hữu. Cơ cấu nợ đọng của Tổng công ty 319 gồm: nợ đọng từ 1 – 2 năm là 450 tỷ đồng, nợ đọng từ 2 – 3 năm là trên 124 tỷ đồng, nợ đọng trên 3 năm là 152 tỷ đồng, còn lại là nợ đọng dưới 1 năm.

Đối với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, con số nợ đọng cũng "khủng" không kém. Tính đến 31/05/2017, các chủ đầu tư còn nợ Tổng công ty số tiền hơn 1.653 tỷ đồng. Trong đó nợ năm 2017 là 439 tỷ đồng, năm 2016 là 542 tỷ đồng, năm 2015 là 254 tỷ đồng, năm 2014 là 162 tỷ đồng, năm 2013 là 157 tỷ đồng, và nợ năm 2012 về trước là 97 tỷ đồng. Giá trị sản xuất dở dang còn chưa được nghiệm thu là 991 tỷ đồng, tổng số nợ tồn đọng lên tới 2.644 tỷ đồng. 

Báo cáo của Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC cho biết, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra khắp nơi và ở một mức độ khá nghiêm trọng.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 6/2014, có 18.376 dự án xảy ra nợ đọng với tổng số nợ xây dựng cơ bản là 44.594 tỷ đồng. Đến 31/1/2016 có 53/63 tỉnh, thành phố nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị 15.277 tỷ đồng.

Theo đánh giá trong Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương là hơn 9.557 tỷ đồng.

Còn theo ông ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), số nợ đọng xây dựng hiện nay dao động từ 30.000 đến hơn 40.000 tỷ đồng. Thời gian nợ dài ngắn cũng khác nhau, trong đó có dự án, gói thầu kéo dài tới cả 10 – 12 năm.

Vốn 200 tỷ đồng, nợ đọng 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp còng lưng trả lãi ảnh 1

Các doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau, chiếm dụng vốn của nhau, thậm chí xuất hiện tình trạng "nhà nước nợ nhà nước"

Đáng chú ý, tình trạng nợ xấu trong xây dựng cơ bản không chỉ dừng ở doanh nghiệp nợ lẫn nhau, doanh nghiệp nợ thuế nhà nước mà còn theo cả chiều ngược lại là nhà nước nợ doanh nghiệp ở khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành. 

Như vậy, nền kinh tế đã hình thành một vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế và tình hình ngày càng có xu hướng xấu hơn. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bị coi là nguyên nhân quan trọng gây ra nợ xấu và mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay.

Đây cũng là thực trạng được ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch VACC, nêu lên: nhiều doanh nghiệp phản ánh bị nợ đọng tiền xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước đến 2.000 tỷ đồng, trong khi vốn công ty chỉ khoảng 200 – 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp do vậy phải "còng lưng" trả lãi ngân hàng. Đáng chú ý, phần lớn nợ đọng này lại tập trung vào khối doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước dẫn đến tình trạng "nhà nước nợ nhà nước", rất khó giải quyết.

Vì đâu nên nỗi?

Nợ đọng xây dựng đang gây khó khăn rất lớn về tài chính cho các doanh nghiệp. Bởi nợ đọng quá lớn và kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp không có nguồn vốn để trả ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín dụng và tiếp cận nguồn vốn cho các kì kinh doanh tiếp theo. 

Nợ đọng cũng khiến kế hoạch sử dụng vốn của doanh nghiệp lâm vào thế "phá sản". Theo lãnh đạo Tổng công ty 319, mỗi doanh nghiệp đều có kế hoạch tài chính cụ thể cả dài hạn và ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó căn cứ vào hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, tiến độ thanh toán ghi trong hợp đồng để huy động và sử dụng vốn.

Nếu chủ đầu tư không trả tiền, nhà thầu không thu hồi được vốn đã bỏ ra, kế hoạch sử dụng vốn của công ty sẽ bị tác động mạnh. Đối với Tổng công ty 319, tính đến hết ngày 31/12/2016, khối lượng dở dang đã lên đến 2.110 tỷ đồng. Trong đó có những công trình khối lượng dở dang lên đến trên 5 năm chưa được nghiệm thu do chủ đầu tư không bố trí được vốn. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tài chính và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Vốn 200 tỷ đồng, nợ đọng 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp còng lưng trả lãi ảnh 2

Kiện nhau ra tòa để đòi nợ cũng không khả thi trong bối cảnh hiện nay

Theo nhận định của ông Dương Văn Cận – Phó chủ tịch VACC, nguyên nhân gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản hết sức đa dạng, bao gồm: phê duyệt quyết định đầu tư nhưng không xác định rõ nguồn vốn hoặc có xác định vốn nhưng không đủ; khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách không đảm bảo; quyết định đầu tư những dự án không nằm trong quy hoạch phát triển nghành; điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến không có kế hoạch bố trí vốn; tình trạng thi công trước tìm vốn sau vv…

Lãnh đạo Tập đoàn Delta bổ sung nguyên nhân từ phía nhà thầu là đã không tìm hiểu kĩ năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi kí hợp đồng, năng lực quản lý và triển khai hồ sơ thanh quyết toán trong quá trình thi công vẫn còn yếu, chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả.

Ngoài ra, các quy định pháp luật hiện vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để tạo sức ép lên chủ đầu tư, buộc họ phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã kí kết.

"Ai cũng biết nếu không giải quyết được bằng biện pháp thông thường thì nên đưa nhau ra tòa hay trọng tài kinh tế để giải quyết. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế việc đưa nhau ra tòa là phương án bất đắc dĩ và không ai muốn. Bởi làm vậy, các bên đều chịu thiệt hại và mất thời gian để theo đuổi vụ kiện với đủ mọi phiền toái mà chưa chắc đòi được tiền" – lãnh đạo Tập đoàn Delta ngán ngẩm.

Hợp đồng xây dựng phải có sự bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu

Lãnh đạo Tổng công ty 319 phân tích: Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện để tổ chức đấu thầu hoặc ký hợp đồng thi công xây dựng là chủ đầu tư phải có kế hoạch bố trí đủ vốn nguồn vốn. Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn đó như thế nào? có thật hay không? hay chỉ ghi trên giấy tờ? dự án có nằm trong kế hoạch vốn trung hạn hay không? không ai biết chắc chắn.

Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 đã nêu rõ: Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn. Chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn. Nhưng thực tế nhiều dự án đầu tư vẫn được cấp thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện khi chưa cân đối được nguồn vốn. 

"Những quy định đó vẫn chưa có chế tài để kiểm soát, dẫn đến nhiều công trình, dự án kéo dài 5-10 năm không có vốn để thanh toán, dẫn đến thiệt hại cho nhà thầu, nhưng chủ đầu tư lại không có trách nhiệm đối với những thiệt hại đó".

Do đó, Tổng công ty 319 cho rằng trong luật, nghị định cần phải có chế tài cụ thể cho việc chủ đầu tư gây thiệt hại cho các doanh nghiệp từ việc nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời cần nghiêm túc xem xét quy định về tính lãi chậm thanh toán cho nhà thầu khi không thanh toán đúng hạn để giảm thiểu thiệt hại cho nhà thầu.

Vốn 200 tỷ đồng, nợ đọng 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp còng lưng trả lãi ảnh 3

Các nhà thầu cho rằng đã đến lúc cần quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cũng thẳng thắn nhìn nhận: Điều khoản về Hợp đồng xây dựng cần phải có sự bình bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Bởi khi nhà thầu nộp hồ sơ thầu phải có bảo lãnh dự thầu, khi ký được Hợp đồng phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Nếu nhà thầu bỏ thầu thì mất tiền bảo lãnh dự thầu, còn nếu gặp khó khăn xin rút thì mất tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Trong khi đó ngược lại về phía nhà đầu tư hoàn toàn không có sự bảo lãnh thanh toán 30% Hợp đồng khi triển khai thực hiện được 60 – 70 % khối lượng công việc.

Đây cũng là ý kiến của ông Hoàng Chí Cường – Tổng giám đốc Vinaincon: Cần bổ sung bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư cho nhà thầu. Giá trị bảo lãnh thanh toán tương đương giá trị còn lại chưa được thanh toán của Hợp đồng và được giảm dần theo tiến độ thanh toán…

Tin mới lên