Bất động sản

Vốn cho nhà ở xã hội tắc nghẽn, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bơm 1.000 tỷ

(VNF) – Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp tháo dỡ khó khăn trong việc cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.

Vốn cho nhà ở xã hội tắc nghẽn, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bơm 1.000 tỷ

Vốn cho nhà ở xã hội vẫn chưa được khơi thông

Theo HoREA, kể từ khi gói 30.000 tỷ kết thúc giải ngân, gần như Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Việc này khiến cho chủ đầu tư và các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, các khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 (do dự án chưa hoàn thành) thì kể từ ngày 1/1/2017 trở đi đã không còn được nhận giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng.

Các khách hàng này cũng chưa có nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác thay thế nên hầu hết lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không thể thực hiện tiếp hợp đồng hoặc phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp. Một số trường hợp phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao.

Đối với các chủ đầu tư, do khách hàng không thể thanh toán tiếp theo hợp đồng mua nhà, nên đa số phải tiếp tục vay thương mại với điều kiện khắt khe hơn (kể từ ngày 1/6/2016) để thi công hoàn thành công trình. Tuy lãi suất vay thương mại được tính vào giá thành công trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở nhưng cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà càng khó khăn thêm.

"Nhiều trường hợp do thiếu vốn, nên chủ đầu tư phải giãn tiến độ thực hiện công trình, dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, bào mòn nguồn lực của chủ đầu tư, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận", HoREA cho biết.

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay với lãi suất khoảng 4,8%/năm.

"Đề nghị phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội và4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện. Từ đó, có thể huy động thêm các nguồn vốn khác của các tổ chức tín dụng để thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội của Đảng và Nhà nước", HoREA đề xuất.

Về lâu dài, HoREA cho rằng Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê.

Ngoài các kiến nghị về tín dụng cho nhà ở xã hội, HoREA cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quy định cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% trong năm 2018, tương tự như năm 2017.

Lý do là 2018 là năm trọng điểm thực hiện Nghị quyết 42/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó có khoảng 60%-70% tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu là bất động sản.

"Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42/NQ-QH thông qua VAMC sẽ phục hồi nhiều dự án bất động sản đã bị ngừng hoạt động trước đây. Hơn nữa, nguồn tăng trưởng tín dụng cuối năm 2017, nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, và nguồn kiều hối sẽ được giải ngân thực hiện chủ yếu trong năm 2018.

"Do vậy, việc tiếp tục cho phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% như hiện nay cho đến hết năm 2018, sẽ là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của thị trường bất động sản", HoREA nêu quan điểm.

Tin mới lên