Thị trường

Vụ 120 tấn đường phơi nắng: Doanh nghiệp thắng kiện Hải quan

TAND tỉnh Quảng Nam tuyên hủy quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà ấn định thuế nhập khẩu 80% đối với mặt hàng đường nhập từ Lào về Việt Nam. Đáng nói, quyết định trái luật này là do hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Vụ 120 tấn đường phơi nắng: Doanh nghiệp thắng kiện Hải quan

TAND tỉnh Quảng Nam xét xử vụ 120 tấn đường, tuyên hủy Quyết định số 24 ngày 31/5/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà.

TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ "kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế và yêu cầu bồi thường thiệt hại", giữa người khởi kiện là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nam Giang (trụ sở tại thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) và người bị khởi kiện là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà – ông Đoàn Đình Nhi, địa chỉ tại thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

HĐXX phán quyết hủy Quyết định số 24/QĐ-KH ngày 31/5/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Buộc Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà thực hiện nhiệm vụ công vụ theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến lô hàng là 120 tấn đường của Công ty Hoàng Nam Giang nhập từ Lào theo mức thuế suất quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào.

Tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Hoàng Nam Giang để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật tố tụng khi Công ty Hoàng Nam Giang có yêu cầu. Công ty Hoàng Nam Giang không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm, hoàn lại cho Công ty Hoàng Nam Giang số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300 ngàn đồng. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà phải nộp 300 ngàn đồng tiền án phí hành chính sơ thẩm.

Trước đó, thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào và Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Công ty Hoàng Hoàng Nam đã ký hợp đồng với Công ty Mitra (Lào) nhập 2.000 tấn đường mía, mỗi tấn đường có giá trị 500 USD. Doanh nghiệp được cơ quan chức năng Lào cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) để được hưởng thuế suất ưu đãi là 2,5% (bằng 50% thuế suất ATIGA).

Tuy nhiên, khi hàng hóa về đến Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho rằng mặt hàng đường nhập từ Lào phải chịu thuế suất nhập khẩu 80%. Công ty Hoàng Nam Giang không đồng ý, dẫn đến 120 tấn đường phơi ngoài nắng tại Cảng Kỳ Hà gần 4 tháng nay khiến doanh nghiệp thiệt hại đến thời điểm này gần 3 tỷ đồng.

Cơ sở pháp lý của HĐXX

Qua các phần xét hỏi, tranh luận của các đương sự, HĐXX khẳng định, theo quy định tại Phục lục 1b ban hành kèm theo Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam – Lào thì đường mía (mã HS 17.01) thuộc Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Khoản 1 Điều 5 Luật Thương mại quy định: "Trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó".

Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: "Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp".

Khoản 1 Điều 20 Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Biểu thuế ATIGA) quy định: "Trừ khi có quy định khác trong Hiệp định này, từng quốc gia thành viên cam kết không áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQs) đối với nhập khẩu bất kỳ loại hàng hóa nào có xuất xứ ở các quốc gia thành viên khác hoặc đối với xuất khẩu bất kỳ hàng hòa nào tới lãnh thổ của các quốc gia thành viên khác".

Tại Điều 4 Nghị định 124 năm 2016 của Chính phủ quy định:

"1. Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phục lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu bằng 50% thuế suất nhập khẩu ATIGA quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Biểu thuế ATIGA). Trường hợp mức thuế suất quy định tại Biểu thuế ATIGA cao hơn mức thuế suất quy định quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) thì áp dụng giảm 50% theo mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).

2. Hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau: a) Được nhập khẩu và vận chuyển thẳng từ CHDCND Lào vào Việt Nam; b) Đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam – Lào thep quy định và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form) do cơ quan có thẩm của nước CHDCND Lào cấp theo quy định".

TAND tỉnh Quảng Nam buộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà phải thông quan lô hàng 120 tấn đường bị phơi nắng hơn 6 tháng qua cho Cty Hoàng Nam Giang.

HĐXX khẳng định, theo như viện dẫn ở trên thì Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào là hiệp định thương mại hữu nghị đặc biệt. Do vậy, hai bên đã không quy định về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường khi nhập khẩu vào quốc gia kia và mặt hàng này được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất nhập khẩu ATIGA, thể hiện tại Phục lục 1b của hiệp định này. Các hàng hóa áp dụng chế độ hạn ngạch là các hàng hóa trong danh mục theo Phục lục 3 của Hiệp định.

Vì vậy, Công ty Hoàng Nam Giang nhập 120 tấn đường từ Lào về theo Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào đã hội đủ 2 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 124 năm 2016 của Chính phủ nên có cơ sở để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu bẳng 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 124 năm 2016 của Chính phủ.

Án lệ quan trọng trong quan hệ thương mại Việt – Lào

Như vậy, phán quyết của Tòa án tỉnh Quảng Nam đã chấm dứt "cuộc chiến pháp lý" giữa hai bên đương sự trong vụ kiện. Điều đáng nói, quyết định trái pháp luật vừa bị Tòa tuyên hủy của phía Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà là thực hiện theo hướng dẫn của "cấp trên" là Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.

Riêng đối với chuyện doanh nghiệp đòi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà bồi thường thiệt hại số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, HĐXX cho rằng quá trình giải quyết vụ án đại diện người khởi kiện đã cung cấp các hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển, các biên bản thõa thuận với các bên liên quan, tuy nhiên các tài liệu này là chưa đủ chứng cứ để chứng minh. Hơn nữa chất lượng hàng hóa nhập khẩu 120 tấn đường hiện nay như thế nào vẫn chưa xác định được. Vì vậy, HĐXX tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Hoàng Nam Giang để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật của pháp luật tố tụng dân sự khi Công ty Hoàng Nam Giang có yêu cầu.

Luật sư Phạm Văn Thanh - Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, là người đại diện pháp lý cho Công ty Hoàng Nam Giang cho biết đây có thể coi là một án lệ, xác định nền tảng pháp lý bền vững cho quan hệ thương mại Việt – Lào. Bản án của Tòa thêm một lần nữa khẳng định Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào cùng Nghị định 124/2016/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam là khuôn khổ pháp lý vô cùng ý nghĩa thể chế mối quan hệ bền chặt như "anh em ruột" giữa Việt Nam và Lào. Câu chuyện càng có ý nghĩa vì năm nay là Năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tin mới lên