Tiêu điểm

Vụ Alibaba: Bán 'vịt giời', vẫn lừa được hàng ngàn người

Tại tòa, Nguyễn Thái Luyện cho rằng mình không lừa đảo nhưng kết quả xác minh của cơ quan điều tra chỉ ra rằng Công ty Alibaba đều bán dự án “ma” và đất “vịt giời”.

Vụ Alibaba: Bán 'vịt giời', vẫn lừa được hàng ngàn người

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại toà.

Hôm nay (15/12), sau một ngày tạm nghỉ, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba.

Xuyên suốt năm ngày xét xử đã qua, Nguyễn Thái Luyện vẫn một mực kêu oan vì cho rằng không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) nhận tội lừa đảo nhưng kêu oan với cáo buộc phạm tội rửa tiền.

Lý giải ngô nghê, giản đơn

Bị cáo buộc có vai trò chủ mưu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngay từ những ngày đầu xét xử, Nguyễn Thái Luyện đã phủ nhận toàn bộ cáo buộc của VKS và cho rằng mình bị oan với nhiều lý lẽ.

Tại tòa, Nguyễn Thái Luyện viện dẫn Luật Đất đai cho rằng người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng, mua bán. Trước khi gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp thì đã tìm hiểu đất có quy hoạch đất ở hay không rồi sẽ mua, hợp nhất thành dự án. Luyện lý giải đất nông nghiệp có quy hoạch đất ở thì có thể lập dự án, thu gom đất và áp dụng Luật Đất đai cùng các quy định về tách thửa.

Tuy nhiên, Luyện lại “quên” mất rằng mặc dù có quy hoạch đất ở nhưng để được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở, lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền cả khâu chuyển mục đích sử dụng đất, khâu lập dự án. Đồng thời, pháp luật đất đai cho phép chủ đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô (tức phân lô, bán nền) nhưng chỉ là khi có đủ điều kiện và phải được UBND cấp tỉnh cho phép bằng văn bản.

Điều kiện ở đây có thể kể đến như chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện…), hạ tầng xã hội (chợ, công viên…) theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt…; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án; dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền…

Những dự án không có thật

Qua những ngày xét hỏi bị hại tại tòa của VKS và nội dung tại cáo trạng cho thấy những “dự án” mà Công ty Alibaba giới thiệu cho khách ký hợp đồng mua bán đều không có thật.

Cụ thể, khai tại cơ quan điều tra, bị hại trong các dự án cho biết đều được nhân viên bán hàng của Công ty Alibaba giới thiệu các dự án có pháp lý đầy đủ. Đất bán là đất thổ cư, giá rẻ, gần sân bay quốc tế Long Thành, gần khu công nghiệp, gần trường học và các khu tiện ích khác, thanh khoản tốt, thanh toán linh hoạt, dễ sinh lời, đồng thời có nhiều quyền chọn.

Ngoài ra, một số bị hại được dẫn đi xem đất nơi sẽ lập dự án, đều xác định hiện trạng là đất trống hoặc đất trồng cây, không có hạ tầng, không có nhà.

Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra cũng đã tiến hành xác minh tại các cơ quan như chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, UBND huyện và Sở Xây dựng các tỉnh nơi được Công ty Alibaba giới thiệu làm dự án.

Kết quả xác minh cho thấy các thửa đất dùng để làm “dự án” được Công ty Alibaba quảng cáo với các bị hại là đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm hoặc đất trồng cây hằng năm).

Về phía các cơ quan quản lý, UBND các huyện cũng xác nhận các công ty trong hệ thống của Công ty Alibaba không làm thủ tục xin phép đầu tư dự án phân lô, bán nền. Sở Xây dựng các tỉnh cũng khẳng định không cấp phép xây dựng, không tiếp nhận xử lý hồ sơ của các dự án Công ty Alibaba đã quảng cáo. Cụ thể, tại dự án Ali Venice City có địa chỉ tại thôn 4, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, Sở Xây dựng tỉnh này khẳng định không cấp phép xây dựng cho Công ty TLLand (thuộc hệ thống Alibaba) hoặc bất kỳ công ty nào khác để thực hiện dự án tại địa chỉ trên.

Rõ ràng Công ty Alibaba không đủ điều kiện pháp lý lập dự án, cũng không đủ điều kiện để phân lô, bán nền các khu đất mà Luyện cho rằng mình đã gom mua “có quy hoạch đất ở”. Bên cạnh đó, đối tượng giao dịch trên hợp đồng giữa các bị hại và Công ty Alibaba là đất thổ cư, có số lô, số thửa rõ ràng (bị hại trả lời tại tòa - PV), trong khi thực tế đều là đất nông nghiệp, dự án thì “không có thật”. Vậy không phải lừa đảo thì là gì?

Có đất đâu mà đòi

Trong hai ngày xét hỏi bị hại đã qua, bên cạnh yêu cầu được nhận lại số tiền đã đầu tư vào Công ty Alibaba thì có nhiều bị hại yêu cầu được tiếp tục hợp đồng để nhận đất. Các bị hại yêu cầu nhận đất cho rằng thực tế đã đi xem đất, đồng thời trên hợp đồng thể hiện mục đích sử dụng đất là 100% đất thổ cư và được cam kết nên tin tưởng mua.

Trước những yêu cầu trên, chủ tọa phiên tòa nhiều lần lưu ý với các bị hại nên cân nhắc các yêu cầu của mình, vì đây đều là các dự án không có thật nên nếu xét thấy yêu cầu không đúng quy định thì HĐXX sẽ bác yêu cầu đó.

HĐXX cũng nhắc nhở các bị hại cần xác định lại số tiền yêu cầu trả lại, vì đang có một số người nhầm lẫn giữa số tiền ghi trên hợp đồng và số tiền thực đã đóng vào Công ty Alibaba; hay một số bị hại đã được Công ty Alibaba thực hiện chi trả tiền (có phiếu chi).

Xem thêm >> Sáng nay, HĐXX bắt đầu xét hỏi trên 4.000 bị hại trong vụ địa ốc Alibaba

Tin mới lên