Ngân hàng

Vụ DongA Bank giai đoạn 2: Thế chấp dự án ‘ảo’ vẫn được vay hàng ngàn tỷ đồng

(VNF) - Trong vụ án gây thất thoát hơn 9.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á - DongA Bank (DAB), ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc kiêm phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) và thuộc cấp đã thông đồng với các nhóm khách hàng cho vay vốn bằng tài sản đảm bảo là dự án có giá trị “ảo”.

Vụ DongA Bank giai đoạn 2: Thế chấp dự án ‘ảo’ vẫn được vay hàng ngàn tỷ đồng

Vụ DongA Bank giai đoạn 2

Thế chấp dự án ảo vẫn vay được hàng ngàn tỷ đồng

Theo kết luận điều tra đại án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á - DongA Bank (DAB) giai đoạn 2, được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an công bố mới đây, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo cho vay nhiều hợp đồng tín dụng gây thiệt hại hơn 9.600 tỷ đồng cho DAB.

Đáng chú ý là hợp đồng tín dụng của nhóm khách hàng Công ty Cổ phần Địa ốc M&C tại DAB. Theo kết luận điều tra, từ năm 2007 - năm 2013, ông Phùng Ngọc Khánh (cựu chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc M&C) sử dụng pháp nhân của 11 công ty thuộc nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân (gọi chung là nhóm khách hàng M&C) vay DAB hơn 7.100 tỷ đồng.

Hồ sơ vay vốn của nhóm khách hàng này là nhiều dự án bất động sản là tài sản thế chấp, đảm bảo. Trong đó có các dự án được ngân hàng và khách nâng khống giá trị lên nhiều lần nhằm đẩy cao khoản vay.

Cụ thể, nhóm khách hàng M&C lấy dự án Hồ Na - Vân Phong tỉnh Khánh Hòa làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 270 tỷ đồng nhưng hầu hết các hạng mục dự án này đều nằm trên giấy. Khoản vay kể trên do hai công ty (ông Phùng Ngọc Khánh điều hành trên thực tế) đứng tên trong hồ sơ vay vốn.

Dự án có diện tích hơn 190ha, do Công ty Cổ phần Địa ốc M&C làm chủ đầu tư với tổng mức vốn đầu tư đăng kí là 1.328 tỷ đồng. Từ năm 2008 đến nay, dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nên chưa triển khai bất kì hạng mục công trình nào.

Liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Khánh Hòa và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đều trả lời cho cơ quan điều tra là dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư nên không có cơ sở xác định giá trị thực tế.

Cụ thể, báo cáo năm 2018 chủ đầu tư trình lên, trị giá những hạng mục đã thực hiện trong dự án này chỉ khoảng 7,8 tỷ đồng. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong không nhận bất kỳ thông tin nào về việc liên doanh, liên kết giữa Công ty Cổ phần M&C với các đơn vị khác trong thực hiện, đầu tư dự án.

Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đang chỉ đạo rà soát dự án trên và một số dự án khác thuộc khu vực dự kiến thành lập đặc khu để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Tương tự, nhóm khách hàng M&C cũng lấy tháp căn hộ 38 tầng tại khu phức hợp Sài Gòn Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. HCM) thế chấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về hồ sơ pháp lý, chưa có văn bản chấp thuận đầu tư. Thế nhưng, ngân hàng Đông Á vẫn nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Ba Son – Bộ Quốc Phòng và Công ty M&C để cho 4 công ty nhóm M&C vay số tiền 1.520 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra kết luận hiện tại các công ty thuộc nhóm khách hàng M&C không còn hoạt động gì, không có khả năng tài chính để trả nợ cho DAB. Tài sản đảm bảo hiện nay chỉ còn 2,6 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, trị giá định giá khi cho vay là 26 tỷ đồng và một phần quyền sử dụng đất với diện tích là 62.000m2 thuộc dự án 7,6ha tại phường An Phú, quận 2, TP. HCM trị giá 2.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên kết quả định giá lại tại thời điểm 26/12/2018 do DAB thuê đơn vị định giá độc lập chỉ 480 tỷ đồng. Do đó, không đủ để trả nợ gốc và lãi của các khoản vay.

Đến nay, đủ căn cứ xác định DAB bị mất vốn đối với khoản vay của 4 công ty với tổng số dư nợ gần 4.000 tỷ đồng (gốc 1.675 tỷ đồng, nợ lãi là 2.274 tỷ đồng), do các công ty không có khả năng tài chính, không có tài sản đảm bảo để trả nợ cho DAB. Còn khoản vay của 5 công ty với tổng dư nợ gốc 1.976 tỷ đồng, nợ lãi 2.083,7 tỷ đồng cần chờ kết quả định giá mới có căn cứ đánh giá hậu quả thiệt hại.

Một chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Ông Nguyễn Thiện Nhân (Cựu chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vốn Thái Thịnh) thành lập, điều hành nhiều công ty con (Công ty Vĩnh Đức Sài Gòn, Công ty Tài Lộc…). Cũng như ông Khánh, ông Nhân đã cùng ông Bình lũng đoạn ngân hàng với nhiều khoản vay không thể thu hồi.

Năm 2007, ông Nhân nhờ người quen đứng tên vay rất nhiều khoản vay tại DAB với mục đích đầu tư các dự án do Công ty Cổ phần Vốn Thái Thịnh và công ty con làm chủ đầu tư, xây dựng.

Trong đó, một số khoản vay có tài sản thế chấp không đủ cơ sở pháp lý do tài sản đã thế chấp tại ngân hàng khác. Dù vậy, ông Bình vẫn duyệt hồ sơ vay. Tính đến ngày 24/12/2018, ông Nhân còn nợ DAB 916 tỷ đồng.

Ông Nhân có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cho rằng vợ ông Nhân là bà Nguyễn Thanh Thủy là đồng phạm giúp sức chồng.

Tuy nhiên, do ông Nhân đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra tách hành vi của vợ chồng doanh nghiệp này ra khỏi vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

>>> Xem thêm: Thất thoát 9.600 tỷ tại DongA Bank: Hé lộ những khoản vay ‘bất thường’ do ông Trần Phương Bình chỉ đạo

Tin mới lên