Tài chính quốc tế

Vụ Hồ sơ Panama: Odebrecht tạo đường dây hối lộ lớn nhất thế giới

(VNF) - Theo CNN, mạng lưới hối lộ của Odebrecht trải khắp 4 châu lục, liên quan đến các quan chức của 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Mexico, Venezuela, Colombia, Argentina, Peru, Mozambique.

Vụ Hồ sơ Panama: Odebrecht tạo đường dây hối lộ lớn nhất thế giới

Odebrecht là tâm điểm đường dây tham nhũng lớn nhất thế giới.

Hối lộ xuyên lục địa

Theo CNN, tập đoàn xây dựng dầu khí Brazil - Odebrecht đã hối lộ gần 800 triệu USD cho các cá nhân trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2016. Quan chức Odebrecht đã đưa số tiền này đi khắp thế giới, thông qua một ngân hàng vỏ bọc, rồi chuyển tới túi của các chính trị gia tại hàng chục nước như Mỹ, Mexico, Venezuela, Colombia, Argentina, Peru hay Mozambique. Một số trường hợp, các khoản hối lộ phải đi qua cửa của 4 tài khoản ngân hàng vỏ bọc trước khi đến được đích cuối cùng.

Hầu hết số tiền hối lộ này được dùng với mục đích nhằm lấy được các hợp đồng từ chính phủ trong việc xây đường cao tốc, làm cầu, xây đập... Cơ quan điều tra đang xác định phạm vi hối lộ này có thể mở rộng "xúc tu" đến các hợp đồng xây dựng cho Olympic Rio 2016 và FIFA World Cup 2014.

Mỹ, Brazil và Thụy Sĩ hiện là ba nước điều phối trong việc trừng phạt tài chính đối với Odebrecht. Trong tháng này, tòa án Mỹ sẽ ra phán quyết liệu Odebrecht có phải trả khoản tiền phạt kỷ lục lên đến 3,5 tỷ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra hồi tháng 12/2016 hay không.

Odebrecht hối lộ nhằm lấy được các hợp đồng từ các chính phủ trong việc xây đường cao tốc, làm cầu, xây đập... 

Odebrecht đã thừa nhận có tội. Dù vậy, họ cho biết mình không có khả năng trả phạt. Khoản phạt này chỉ là khởi đầu cho hậu quả tài chính mà Odebrecht sắp phải chịu. Một số quốc gia Mỹ Latinh khác đang mở cuộc điều tra riêng, do đó tiền phạt có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Tập đoàn Odebrecht SA được Norberto Odebrecht thành lập vào năm 1944 ở phía đông bắc bang Bahia, Brazil. Hiện điều hành tập đoàn là Marcelo Odebrecht, cháu trai của ông Norberto Odebrecht. Công ty hàng đầu trong Tập đoàn Odebrecht SA là Norberto Odebrecht Contrutora và tập đoàn còn nắm quyền kiểm soát Braskem, công ty hóa dầu lớn thứ 5 thế giới với lượng hàng xuất khẩu tới 60 quốc gia trên khắp các châu lục...

Tính đến năm 2015, tập đoàn này đã có 128.000 nhân viên với tổng doanh thu lên tới 39 tỷ USD và hoạt động tại 25 quốc gia. Sau khi bị điều tra, Odebrecht SA đã giảm bớt số lượng nhân viên xuống còn 80.000 người. Các sản phẩm mà Odebrecht SA làm ra được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia.

Chính trị gia không nằm ngoài vòng 'miễn nhiễm'

"Đây là vụ điều tra tham nhũng quan trọng nhất lịch sử khu vực Mỹ Latinh", Sergio Rodriguez, công tố viên liên bang Argentina đang điều tra Odebrecht, nói với CNN.

Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện cách đây 3 năm, trong một cuộc điều tra khác của Brazil có tên "Operation Car Wash" với hãng dầu quốc doanh Petrobras. Vụ điều tra đã khiến một lãnh đạo của Petrobras bị bắt giữ. Petrobras cũng đóng vai trò dẫn dắt trong đường dây tham nhũng này.

Trước đó, các điều tra viên cấp cao ở Brazil cho biết, hàng chục năm qua, Tập đoàn Odebrecht SA đã "tích cực" trong việc hối lộ các chính trị gia để giúp bảo đảm hợp đồng xây dựng, nhất là những hợp đồng có liên quan đến Petrobras. Việc hối lộ chuyên sâu đến mức Odebrecht có cả một bộ phận riêng để quản lý mọi thứ.

Giữa tháng 2/2017, các nhà chức trách Panama đã bắt giữ ​hai thành viên sáng lập của công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu mang tên "Hồ sơ Panama" hé lộ về cái được gọi là vụ tham nhũng toàn cầu, do tình nghi liên quan tới bê bối của tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. Công ty luật Mossack Fonseca bị cáo buộc "che giấu và tiêu hủy bằng chứng" liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn tại Brazil mang tên "Car Wash".

 ​Hai thành viên sáng lập của công ty luật Mossack Fonseca. 

Cuộc điều tra tại Petrobras và Odebrecht đã khiến nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng tại Brazil phải vào tù. Vụ tai tiếng thời điểm đó cũng là một trong những lý do chính khiến cho kinh tế Brazil rơi vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử của quốc gia Nam Mỹ này.

Song càng đi sâu, các nhà điều tra càng khám phá ra mức độ lan tỏa xuyên lục địa của phi vụ. Tổng thống Colombia Manuel Santos vào tháng 3 vừa qua thừa nhận ông đã nhận một khoản tài trợ từ Odebrecht trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2014. Dù vậy, ông cho biết mình không biết về nguồn gốc số tiền và đã kêu gọi điều tra. Odebrecht cũng từng giành được nhiều hợp đồng từ Chính phủ Colombia.

Hồi tháng 2/2017, cảnh sát Peru đã lục soát nhà cựu Tổng thống Alejandro Toledo của nước này vì nghi ngờ ông đã nhận hối lộ từ công ty xây dựng Brazil. Ông Toledo sau khi phủ nhận cáo buộc đã bỏ trốn. Hiện ông được cho là đang ở Mỹ và có thể phải đối mặt với án tù.

Tại Panama, nhiều quan chức và doanh nhân nước này đã bị cáo buộc liên quan tới bê bối Odebrecht, trong đó có cả Tổng thống Panama Juan Carlos Varela. Mặc dù Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của ông Ramon Fonseca, một trong hai cổ đông chính của công ty luật Mossack Fonseca, về việc nhận tiền vận động quyên góp từ Odebrecht nhưng không phải ai cũng tin vào lời của ông.

Còn tại Brazil, nơi Odebrecht đặt trụ sở, cựu Tổng thống Luiz Inacio da Silva đang phải đối mặt với tù tội vì đã dùng tiền hối lộ của Odebrecht để phục vụ cho kinh doanh nhà nghỉ riêng của mình. Còn người kế nhiệm ông - cựu Tổng thống Dilma Rousseff cũng bị phế truất năm ngoái vì nhiều cáo buộc riêng lẻ.

Mới đây, cựu Chủ tịch Hạ viện Brazil, ông Eduardo Cunha, đã bị kết án 15 năm tù vì 3 cáo buộc rửa tiền. Tổng thống Brazil hiện tại Michel Temer đã mất 5 quan chức nội các kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2016. Vài người trong số họ từ chức vì các cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht.

Lãnh đạo của công ty - Marcelo Odebrecht đã bị kết án 19 năm tù cách đây một năm. Các quan chức của Odebrecht đã thỏa thuận với cơ quan điều tra, rằng họ sẽ khai tên tuổi và nhiều chi tiết về đường dây này để được giảm án.

Ông Marcelo Odebrecht - lãnh đạo tập đoàn Odebrecht.

Sau khi việc này hoàn tất, rất nhiều chính trị gia tại Mỹ Latinh có thể phải ngồi tù. Các nước Mỹ Latinh có tỷ lệ tham nhũng khá cao, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lần này họ sẽ làm rất mạnh tay. Nguyên nhân là do quy mô mạng lưới tham nhũng này chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực đã thông qua luật "trách nhiệm doanh nghiệp". Luật này cho phép các điều tra viên dễ dàng định tội cả công ty, thay vì cá nhân. Điều này sẽ khiến các công ty sẵn sàng hợp tác hơn, do các cổ đông không muốn mất tiền.

Dù vậy, một điều đáng nói là với điều kiện nền kinh tế trên khắp Mỹ Latinh đang gặp khó khăn, đặc biệt là Brazil với tỷ lệ thất nghiệp cao, nếu Odebrecht bị phá sản vì phải đóng phạt sẽ khiến hàng ngàn người bị thất nghiệp, chưa kể đến rất nhiều công ty đối tác phụ thuộc vào Odebrecht trên khắp Mỹ Latinh cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Do đó, nhiều khả năng công ty xây dựng này sẽ được phép tiếp tục hoạt động.

"Không ai muốn Odebrecht bị phá sản. Chính phủ muốn giữ việc làm nên công ty này có thể sẽ tồn tại, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quy mô của nó sẽ còn lớn được như trước", Alexandre Garcia - Giám đốc tại Fitch Ratings Brazil nói.

Tin mới lên