Thị trường

Vụ lừa 100 xe ô tô tự lái tại Hà Tĩnh: Hàng trăm người dính 'bẫy' như thế nào?

Theo cơ quan điều tra, liên quan vụ án lừa 100 xe ô tô tự lái khiến hàng trăm người bị hại tại Hà Tĩnh dính bẫy xuất phát từ đối tượng Nguyễn Lương Bằng thuê xe ô tô của các công ty tại Hà Nội, sau đó cho người dân Hà Tĩnh thuê lại với hình thức tự lái.

Chiều 6/4, trao đổi với Nhadautu.vn, Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị hiện đã nhận được công văn phối hợp điều tra của Cục Cảnh sát Hình sự Công an TP. Hà Nội truy tìm một số phương tiện là tang vật của vụ án lừa đảo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội.

Theo thiếu tá Hải, mọi thông tin mà cơ quan điều tra bước đầu ghi nhận từ những người dân sống tại Hà Tĩnh là "họ còn không biết mình bị lừa cho đến lúc bị Cơ quan điều tra tịch thu phương tiện". Chính người dân Hà Tĩnh đã trực tiếp ra Hà Nội thuê xe. Người phạm tội cũng sống tại Hà Nội. Vụ án hiện do Công an TP. Hà Nội điều tra. Công an Hà Tĩnh chỉ là đơn vị phối hợp điều tra vụ án chứ không phải là người dân tự gửi đơn đến tố cáo.

Hàng loạt bị hại tại tỉnh Hà Tĩnh bàng hoàng biết mình bị lừa khi cơ quan điều tra tới nhà lập biên bản tịch thu phương tiện không rõ nguồn gốc (Ảnh: Việt Hương)

Thiếu tá Hải cho rằng, có thể đối tượng lừa đảo họ nhắm vào nhu cầu của người dân, muốn có ô tô để đi lại và kinh doanh, nhiều người ở Hà Tĩnh đã bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí bỏ tiền tỷ đặt cọc thuê xe tự lái. Tuy nhiên, đây lại là những chiếc xe có nguồn gốc không hợp pháp và đang bị tịch thu.

Được biết, hiện có nhiều người dân tại Hà Tĩnh hiện đang là nạn nhân của vụ việc.

Nạn nhân Mai Xuân Hưng (trú xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, để có phương tiện đi lại và kinh doanh, thông qua một người quen, vào tháng 12/2017, anh Hưng ra Hà Nội gặp ông Nguyễn Lương Bằng (55 tuổi, quê gốc Hà Tĩnh) đặt cọc tiền để thuê xe ô tô tự lái.

"Chúng tôi đã phải đi vay quỹ tín dụng địa phương được 300 triệu đồng để ra Hà Nội đặt cọc cho ông Bằng với hợp đồng thuê xe Toyota Innova mang biển kiểm soát 30A - 020.14 đưa về nhà để đi lại, đồng thời làm dịch vụ cho thuê xe vào các dịp lễ, Tết. Sau khi đưa xe về sử dụng được 1 tháng thì lực lượng công an đến lập biên bản tịch thu, chúng tôi mới biết mình bị lừa", chị Lê Thị Huê (vợ anh Hưng) cho biết.

 Đối tượng Nguyễn Lương Bằng.

Ông Lê Đình Thảo, Trưởng Công an xã Thạch Trung cho biết: Đơn vị đã nắm được thông tin từ người dân phản ánh. Tại xã Thạch Trung, có tới 8 trường hợp bị lừa. "Nhưng do quá trình điều tra của Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an TP. Hà Nội không thông qua chính quyền địa phương nên tôi chỉ nắm thông tin số lượng xe đã tịch thu là 5 chiếc từ 5 hộ gia đình, còn 3 hộ khác chưa bị tịch thu", ông Thảo nói.

Theo phản ánh của những bị hại khác, hình thức cho thuê xe tự lái được đối tượng Bằng áp dụng cách đây 5 năm tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài 8 trường hợp tại xã Thạch Trung, trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh cũng có hàng chục nạn dân bị mắc bẫy.

Anh Trần Đình Minh (32 tuổi, trú tại xóm Minh Tiến, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) bức xúc cho biết, thông qua một người bạn, từ 2016 đến cuối năm 2017, anh ra Hà Nội ký hợp đồng thuê 4 xe ô tô của ông Bằng với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, thời hạn 1 năm, mục đích là để về cho người dân trên địa bàn thuê lại.

Đầu năm 2017, anh Minh đưa 1 xe ô tô ra trả lại cho ông Bằng khi hết hạn và gia hạn hợp đồng 3 chiếc đã thuê trước đó. Đến đầu tháng 2/2017, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an TP. Hà Nội về thông báo tịch thu 3 chiếc xe vì nguồn gốc xe không hợp pháp. "Do hình thức thuê xe đơn giản nên chúng tôi mới dễ dàng tin tưởng", anh Minh buồn bã cho biết.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tin mới lên