Thị trường

Vụ Vietnam Airlines tiêu cực trong đào tạo phi công: ‘Chưa phát hiện ra sai phạm’

(VNF) - "Vụ Vietnam Airlines đào tạo phi công bằng việc đưa ra các quy trình, các bước xem xét tuyển dụng còn nhiều bất cập thì hiện chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra sai phạm, nếu có thì sẽ cho tiến hành xác minh ngay”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Vụ Vietnam Airlines tiêu cực trong đào tạo phi công: ‘Chưa phát hiện ra sai phạm’

Vụ Vietnam Airlines tiêu cực đào tạo phi công: ‘Chưa phát hiện ra sai phạm’.

Liên quan tới việc đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh một số nội dung liên quan đến hoạt động của Vietnam Airlines (VNA) còn nhiều bất cập như: chất lượng đầu vào của ứng viên phi công, quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công, thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Tại cuộc họp báo Chính phủ, chúng tôi đã có báo cáo và phía Vietnam Airlines cũng đã có văn bản báo cáo rà soát lại toàn những nội dung đó. Đồng thời, phía Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản báo cáo gửi tới đại biểu Nguyễn Sỹ Cương".

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo gửi tới đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

"Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia thì có các quy trình đào tạo, tuyển dụng trong khi một số hãng cổ phần tư nhân thì đào tạo ít và chủ yếu là đào tạo sau tuyển dụng. Trong khi đó, VNA có quy trình đào tạo trước tuyển dụng và có hội đồng xem xét, đánh giá các bước và đây được xem là một sự khác biệt mà các hãng hàng không trong nước khác không có”, Thứ trưởng Đông cho biết.

“Việc đưa ra các quy trình, các bước xem xét tuyển dụng của Vietnam Airlines có vi phạm hay không thì hiện chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra sai phạm, nếu có thì sẽ cho tiến hành xác minh ngay”, Thứ trưởng Đông nói thêm.

Trả lời về câu hỏi liên quan tới việc phi công nghỉ phải báo trước 120 ngày khi chấm dứt hợp đồng còn nhiều bất cập về mặt pháp lý, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhấn mạnh: "Việc tuyển một phi công có kinh nghiệm phải mất tới 90 ngày, từ việc phải học chính sách, làm quen với các loại đường bay và học quá trình bay mô phỏng. Do đó, quy định mới 120 ngày là hoàn toàn hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động hàng không bình thường vào các mùa cao điểm".

Ông Cường lấy ví dụ hồi tháng 5/2017 sân bay Tân Sơn Nhất có hỗn loạn vì thiếu phi công, mặc dù đã tuyển về nhưng chưa đủ điều kiện đáp ứng để cho bay. Hay cách đây hai tháng, hãng hàng không giá rẻ VietJeet cũng có 1 loạt chuyến bay bị chậm vì một loạt tiếp viên xin nghỉ ốm, nhưng thực ra họ nghỉ để đi khám đầu quân cho hãng khác.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã chỉ ra thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chí phí của phi công VietNam Airlines (VNA) có nhiều bất cập.

Cụ thể, nếu theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động có quyền nghỉ việc và báo trước 45 ngày. Tuy nhiên, tại Thông tư 41/2015/TT-BGTVT ngày 12/8/2015 về việc chấp dứt lao động có ghi: “Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng...”.

Tuy nhiên, điều đáng nói là quy định nói trên đã bãi bỏ theo Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (điều 2). Như vậy, việc giữ lại quy định 120 ngày của Vietnam Airlines và việc Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cho phi công vì chưa chấm dứt hợp đồng là chưa hợp lý.

Xem thêm: Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines giải trình những 'lùm xùm' trong đào tạo phi công

Tin mới lên