Tài chính quốc tế

Vừa cấm cửa 4 công ty thịt bò, Trung Quốc lại áp thuế 80,5% lên lúa mạch Australia

(VNF) - Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/5 thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch Australia từ ngày 19/5. Động thái diễn ra khoảng 1 tuần sau khi 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch.

Vừa cấm cửa 4 công ty thịt bò, Trung Quốc lại áp thuế 80,5% lên lúa mạch Australia

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/5 thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch Australia từ ngày 19/5 (Ảnh minh họa).

"Các hành động phá giá và trợ cấp của Australia đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành nông nghiệp nội địa", Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong thông báo ngày 18/5 đồng thời tiết lộ việc điều tra đã được tiến hành từ năm 2018.

Mức thuế 80,5% sẽ có thời hạn lên tới 5 năm, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%. 

Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu vào khoảng 1,5-2 tỷ AUD (800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu lúa mạch của Australia.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho rằng quyết định của Trung Quốc đã gây “thất vọng sâu sắc”. Ông Birmingham tuyên bố Australia không chấp nhận các căn cứ của quyết định này và sẽ đánh giá chi tiết các kết luận của cuộc điều tra trong khi xem xét các bước tiếp theo, bao gồm việc thực hiện quyền kháng cáo.

Được biết Bộ trưởng Birmingham đã yêu cầu điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn, tuy nhiên phía Trung Quốc từ chối yêu cầu này.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã leo thang căng thẳng sau khi Australia gần đây thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, điều này đã khiến Bắc Kinh nổi giận.

Hồi tuần trước, 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia gồm Kilcoy Pastoral, JBS's Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch.

Trước đó, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, cũng đã đe dọa tẩy chay giáo dục, du lịch và hàng hóa của Australia nếu nước này tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19.

Đề xuất tổ chức điều tra độc lập nguồn gốc dịch Covid-19 của Australia cho tới nay đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia. Đề xuất này có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại khóa họp của Đại hội đồng của Tổ chức Y tế thế giới vào ngày 19/5.

Bộ trưởng Thương mại Birmingham từng khẳng định nước này sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra này và họ sẽ không thay đổi chính sách vì các động thái “cưỡng ép kinh tế”.

Australia cũng không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc áp thuế hơn 80% đối với lúa mạch.

Tính tới hết ngày 18/5, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng cộng 4.885.038 ca nhiễm và 319.779 ca tử vong.

Xem thêm >> 27 công ty Mỹ sắp di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia

Tin mới lên