Tài chính quốc tế

Vừa cấm tàu chiến Mỹ đến Hong Kong, Trung Quốc cân nhắc ngăn quan chức Mỹ tới Tân Cương

(VNF) - Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn bài đăng của Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu Hu Xijin (Hồ Tích Tiến) trên mạng xã hội Twitter ngày 3/12 cho biết Trung Quốc đang cân nhắc áp đặt lệnh hạn chế thị thực đối với các quan chức và chính khách Mỹ chỉ trích vấn đề liên quan đến Tân Cương.

Vừa cấm tàu chiến Mỹ đến Hong Kong, Trung Quốc cân nhắc ngăn quan chức Mỹ tới Tân Cương

Vừa cấm tàu chiến Mỹ đến Hong Kong, Trung Quốc cân nhắc ngăn quan chức Mỹ tới Tân Cương (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng đang xem xét việc cấm người mang hộ chiếu công vụ Mỹ ra vào khu vực Tân Cương.

Ông Hồ Tích Tiến không giải thích bằng cách nào mình nắm được thông tin trên, nhưng hàm ý rằng Trung Quốc sẽ trả đũa việc quốc hội Mỹ chuẩn bị soạn thảo dự luật liên quan đến khu vực trên.

Trong một bài đăng trên Twitter cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thông tin chính phủ Trung Quốc đang đẩy nhanh việc công bố danh sách thực thể không đáng tin cậy để đáp trả lại dự luật liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Cụ thể, dự luật trên yêu cầu ban hành biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc được cho là vi phạm nhân quyền với tộc người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật này hồi tháng 9, và Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự luật trong ngày hôm nay (3/12).

Theo Thời báo Hoàn Cầu, dự luật liên quan tới Tân Cương sẽ gây ảnh hưởng tới những lợi ích kiên định của Trung Quốc và chỉ khiến Bắc Kinh đẩy mạnh các biện pháp trả đũa.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/12 tuyên bố nước này ngừng xem xét đề nghị ghé thăm Hong Kong của các tàu và máy bay quân sự Mỹ, đáp trả việc Tổng thống Donald Trump ký ban hành hai đạo luật về Hong Kong khiến Bắc Kinh tức giận.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Bắc Kinh cũng đã trừng phạt tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, vì ủng hộ các hoạt động bạo lực, cực đoan ở Hong Kong.

Động thái này báo hiệu các cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia đang ngày càng đứng trước nhiều rủi ro từ những tranh cãi liên quan đến Hong Kong và Tân Cương.

Hong Kong là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc theo thể chế "một quốc gia, hai chế độ", được hưởng một số quyền tự do, tự trị nhất định. Phong trào biểu tình chống chính quyền đã bùng nổ tại thành phố từ tháng 6, vì một dự luật mà người biểu tình cho là sẽ hạn chế mức độ tự trị của Hong Kong.

Về Tân Cương, báo cáo hồi tháng 8 của Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc Liên Hợp Quốc cáo buộc Trung Quốc giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những cộng đồng Hồi giáo tại khu tự trị Tân Cương. Ủy ban cũng bày tỏ lo ngại về thông tin người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát nghiêm ngặt, thậm chí bị quét điện thoại di động tại các trạm kiểm soát. Mỹ, Canada, Pháp, Đức đã kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại cải huấn ở Tân Cương.

Trung Quốc từ lâu khẳng định Tân Cương đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những phần tử ly khai, đồng thời bác bỏ báo cáo của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, sau những phủ nhận ban đầu, quan chức Bắc Kinh cho biết một lượng nhỏ người phạm tội đã được gửi đến các "trung tâm đào tạo nghề", nơi họ được dạy nghề và kiến thức pháp lý.

Các nhà nghiên cứu phương Tây cho hay ngân sách Trung Quốc chi cho xây dựng liên quan đến an ninh ở Tân Cương tăng gấp ba lần trong năm 2017. Dù Trung Quốc khẳng định tiến hành hoạt động đào tạo nghề, dữ liệu của chính quyền Tân Cương cho thấy tình trạng việc làm chưa được cải thiện rõ rệt.

Xem thêm >> Ông Tập Cận Bình: 'Không thế lực nào có thể ngăn Trung Quốc tiến về phía trước'

Tin mới lên