Ngân hàng

‘Vùng lợi nhuận’ của tín dụng ngoại tệ

(VNF) - "Lãi suất bèo" khi vay ngoại tệ, hay việc đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ "có chủ ý" đang là vùng lợi nhuận của tín dụng ngoại tệ. "Vùng lợi nhuận" này gây méo mó dòng chảy vốn, lệch lạc cung cầu thị trường và tạo áp lực không đáng có lên tỷ giá.

‘Vùng lợi nhuận’ của tín dụng ngoại tệ

Tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,9% sau 9 tháng đầu năm 2017

Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa hé lộ nhiều số liệu đáng chú ý về tình hình ngoại tệ, đặc biệt là về tín dụng ngoại tệ. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2017, tín dụng ngoại tệ ước tăng tới 12,9%, cao hơn nhiều mức tăng 5,4% cùng kỳ năm 2016.

Một vài nguyên nhân có thể kể đến. Đầu tiên và "muôn thủa", là chênh lệch giữa lãi suất tín dụng VND và lãi suất ngoại tệ nói chung, lãi suất USD nói riêng hiện vẫn rất đáng kể. Trong bối cảnh tỷ giá ổn định, việc vay USD với "lãi suất bèo" luôn là ưu tiên của các doanh nghiệp.

Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những quy định tương đối chặt chẽ nhằm kiểm soát hoạt động cho vay ngoại tệ, ngăn chặn doanh nghiệp hưởng lợi từ việc vay USD, đổi ra VND và đem VND đi gửi để "ăn" chênh lệch lãi suất; hoặc sử dụng ngoại tệ vay được vào mục đích khác.

Thế nhưng các quy định trên hẳn không thể bịt được tất cả các lỗ hổng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đó là chưa kể đến việc thực thi các quy định cho vay ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại (NHTM) chắc chắn lỏng lẻo hơn do kinh doanh cần sự linh hoạt, và cũng không ngoại trừ các trường hợp móc ngoặc.

Nguyên nhân thứ hai đến từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1%.

Lượng xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhu cầu vay ngoại tệ cũng tăng cao.

Thứ ba, các ngân hàng dường như đang muốn đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ. Số liệu từ UBGSTCQG cho thấy, tín dụng ngoại tệ hiện chiếm 8,4% tổng dư nợ tín dụng; trong khi huy động ngoại tệ hiện chiếm tới 10,2% tổng huy động.

Tương quan khá chênh lệch này hàm ý 2 xu hướng biến động có thể xảy ra: tín dụng ngoại tệ sẽ tăng tương đối hoặc huy động ngoại tệ giảm tương đối (để tìm đến "điểm cân bằng").

Vẫn theo số liệu từ UBGSTCQG, 9 tháng qua, huy động ngoại tệ chỉ tăng vỏn vẹn 4,3%. Lựa chọn của các ngân hàng, theo đó, sẽ nghiêng về phía đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ hơn là giảm mức tăng huy động ngoại tệ vốn đang ở mức thấp (4,3%), dù cho các ngân hàng có thể vẫn khá dồi dào về ngoại tệ.

Nhưng còn một nguyên nhân khác khiến các ngân hàng muốn đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm, đó là lợi nhuận.

Đang tồn tại "vùng lợi nhuận" thiếu lành mạnh trong hoạt động tín dụng ngoại tệ

Theo chu kỳ, các khoản vay ngoại tệ của doanh nghiệp thường đáo hạn vào cuối quý III đến hết quý IV, nhu cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay theo đó cũng tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Điều này gây áp lực tăng lên tỷ giá.

Nếu tỷ giá tăng, các ngân hàng sẽ hưởng lợi, bởi lượng ngoại tệ thu về sẽ có giá trị hơn, quy đổi ra VND sẽ được nhiều hơn.

Tạm tính theo tỷ giá USD hải quan. Năm 2015, tỷ giá USD bình quân riêng trong quý IV là 22.371 VND/USD, trong khi con số bình quân 3 quý đầu năm là 21.626 VND/USD.

Hay như năm 2016, tỷ giá USD bình quân riêng trong quý IV là 22.436 VND/USD, trong khi 3 quý đầu năm là 22.289 VND/USD.

"Lãi suất bèo" khi vay ngoại tệ, hay việc đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ "có chủ ý" đang là "vùng lợi nhuận" của tín dụng ngoại tệ. "Vùng lợi nhuận" này gây méo mó dòng chảy vốn, lệch lạc cung cầu thị trường và tạo áp lực không đáng có lên tỷ giá. Đó là chưa kể đến tác động tiêu cực trong việc làm gia tăng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Ngày 13/9 vừa qua, Thống đốc NHNN có văn bản số 7295/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ.

Cụ thể, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, đồng thời kiểm soát tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ.

Cùng với đó, Thống đốc chỉ thị tăng cường công tác giám sát tình hình huy động, cho vay và thanh khoản bằng ngoại tệ của TCTD để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN xử lý.

Mặc dù động thái của NHNN diễn ra vào cuối quý III khi mà "thời cơ vàng" của tín dụng ngoại tệ đã qua đi, nhưng việc siết "vùng lợi nhuận" của tín dụng ngoại tệ từ nay đến cuối năm vẫn đủ để làm giảm phần nào các tác động tiêu cực. Tín dụng ngoại tệ theo đó cũng trở về thực chất hơn, đóng vai trò tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế một cách lành mạnh.

Tin mới lên