Tài chính quốc tế

Vướng khủng hoảng môi trường, Monsanto vẫn 'làm ăn tốt' trên đất Việt

(VNF) - Monsanto đã chính thức trở lại Việt Nam từ năm 2010, đến nay, Tập đoàn này hiện đang cung cấp hạt giống biến đổi gen và thuốc trừ cỏ cho nông dân Việt Nam.

Vướng khủng hoảng môi trường, Monsanto vẫn 'làm ăn tốt' trên đất Việt

Tập đoàn Monsanto bị kết luận gây hại đến môi trường Việt Nam.

Vi phạm nhân quyền và hủy hoại môi trường Việt

Tòa án Quốc tế về Monsanto tại La Hay, Hà Lan do các nhóm các nhà hoạt động thiết lập ngày 18/4 đã đưa ra ý kiến tham vấn về các hoạt động của tập đoàn hóa chất khổng lồ của Mỹ. Chủ tọa – thẩm phán Françoise Tulkens – đã thay mặt ban bồi thẩm gồm 5 thành viên công bố kết luận sau hai ngày điều trần hồi tháng 10 năm ngoái và nhiều tháng xem xét các bằng chứng.

Monsanto là công ty công nghệ sinh học của Mỹ từng sản xuất chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.

Ước tính trong giai đoạn 1962-1973 có khoảng 75,8 triệu lít thuốc trừ cỏ đã được quân đội Mỹ đã bị rải xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam mà trong đó Monsanto là nhà cung cấp chính. Loại chất độc này đã gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam cũng như gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác.

Monsanto là công ty chủ chốt trong 37 công ty hóa chất mà các nạn nhân da cam Việt Nam từng kiện tại Mỹ (từ năm 2004-2009) để đòi đền bù thiệt hại.

Phiên tòa đã xem xét 6 vấn đề chính liên quan tới các hoạt động của Monsanto. Đối với 4 vấn đề liên quan tới các vấn đề về nhân quyền, tòa kết luận rằng Monsanto "đã tham gia vào các hoạt động gây tác hại tới các quyền của con người về một môi trường và lương thực lành mạnh, và sức khỏe tốt".

Năm thẩm phán trong phiên tòa Monsanto. Ảnh: Tòa án quốc tế về Monsanto

Tòa án cho hay, Monsanto đã làm ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe các các nông dân và những người khác khắp thế giới khi sản xuất và bán nhiều loại hóa chất nguy hiểm, như thuốc diệt cỏ Roundup, và các loại hạt giống biến đổi gen.

Vấn đề thứ 5, trong giai đoạn (1962-1973), hơn 70 triệu lít chất độc da cam (chứa dioxin) đã bị rải xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam. Hóa chất đó cũng gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác, gây ra các vụ kiện tụng về sự liên quan của Monsanto trong cuộc chiến.

Về vấn đề thứ 6, tòa án kết luận rằng nếu tội sử dụng "thuộc hủy diệt sinh thái" được thừa nhận trong luật hình sự quốc tế thì các hoạt động của Monsanto đã phạm phải tội danh như vậy. Khi đi đến kết luận này, tòa án nhấn mạnh rằng tội sử dụng thuộc hủy diệt sinh thái nên được quy định chính xác và rõ ràng và được khẳng định bởi luật hình sự quốc tế.

Quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam do Monsanto sản xuất trong Chiến tranh Việt Nam.

Ngày 21/4, hai nghị sỹ đảng Xã hội, thành viên của Ủy ban Nông nghiệp châu Âu là Eric Andrieu và Marc Tarabella đã thông báo sẽ yêu cầu thành lập một ủy ban tiếp tục điều tra về tập đoàn hóa chất này.

Kể từ khi thành lập năm 1901, Tập đoàn Monsanto nhiều lần khiến giới truyền thông tốn giấy mực vì những vụ bê bối đình đám. Theo thông tin từ trang web chính thức của Tòa án Quốc tế về Monsanto, ngày càng có nhiều người trên thế giới nhận thức được rằng, hình thức sản xuất hóa học của công ty này đã làm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy quá trình mất đa dạng sinh học và góp phần đáng kể vào sự ấm lên toàn cầu.

Biểu tình phản đối Monsanto ở gần trụ sở tập đoàn. Ảnh: Reuters

Cũng theo trang web nói trên, ngay từ đầu thế kỷ 20, công ty Monsanto có trụ sở ở Mỹ đã phát triển một số sản phẩm cực độc, bao gồm: chất PCB, một trong 12 chất gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người và động vật; chất "2,4,5 T", một thành tố tạo nên chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải ở Việt Nam trong chiến tranh và tiếp tục gây ra các dị tật khi sinh cũng như bệnh ung thư cho tới tận ngày nay; chất diệt cỏ Lasso, hiện đã bị cấm ở châu Âu; RoundUp-chất diệt cỏ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và cũng là nguyên nhân của các scandal về sức khỏe, môi trường lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Toà án quốc tế về Monsanto là tòa không chính thức, không được quản lý bởi Liên Hợp Quốc hay Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên, tòa sử dụng các nguyên tắc của cả hai bên nói trên để lập luận. Tòa này được thành lập bởi các nhà hoạt động và tổ chức xã hội, trong đó có nhà hoạt động về môi trường người Ấn Độ Vandana Shiva và nhà khoa học Pháp Gilles-Éric Séralini, chuyên nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen. Quyết định của tòa không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Hồi tháng 10/2016, Monsanto tuyên bố tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye "vừa đá bóng vừa thổi còi" nên Monsanto không thừa nhận kết luận phiên tòa. Mới đây, trên website monsanto.com, Monsanto cho rằng Toà án quốc tế về Monsanto là tổ chức tự phát bởi một nhóm các đối tượng chống đối Monsanto và chống lại công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thành công trên chính đất Việt

Monsanto đã chính thức trở lại Việt Nam từ năm 2010, đến nay, Tập đoàn này hiện đang cung cấp hạt giống biến đổi gen và thuốc trừ cỏ cho nông dân Việt Nam.

Thực chất, Monsanto đã có mặt từ năm 1995 dưới hình thức văn phòng đại diện của Công ty Monsanto Thái Lan. Đến tháng 8/2010, Monsanto chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam, lấy tên là Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Dekalb Việt Nam kinh doanh hạt giống ngô, rau và hướng tới các sản phẩm công nghệ sinh học hay còn gọi là thực phẩm biến đổi gen (GMO).

Dekalb Việt Nam kinh doanh hạt giống ngô, rau và thực phẩm biến đổi gen (GMO). Ảnh: monsanto.com

Vào tháng 10/2014, sau hơn 40 năm, Monsanto trở lại khá rầm rộ trên truyền thông Việt Nam với việc dành 1,5 tỷ đồng trao học bổng cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học.

Chỉ sau đó 1 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 2 giống ngô biến đổi gen mang đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ cho Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto) cùng với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Tổng cộng đã có 3 giống ngô biến đổi gen của 2 công ty trên được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp chứng nhận cho 2 công ty DeKalb và Syngenta Việt Nam được bán đại trà giống ngô biến đổi gen tại Việt Nam.

Trên thế giới, có 11 tập đoàn, công ty lớn về cây trồng biến đổi gen với tổng số 329 giống cây, riêng Monsanto và Syngenta (hãng trừ sâu lớn nhất thế giới của Thụy Điển đã về tay tập đoàn hóa chất Trung Quốc ChemChina) chiếm gần một nửa. Nếu tính cả công ty liên doanh, liên kết của Monsanto và Syngenta thì con số còn lớn hơn nhiều.

Năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trồng đại trà ngô biến đổi gen và dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng cây biến đổi gen sẽ chiếm 30-50% tổng diện tích ngô, bông và đậu tương trồng mới.

Việt Nam cũng đang nhập hàng triệu tấn ngô, khô dầu đậu tương... làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có cả thực phẩm biến đổi gen. 

Quyết định từ cơ quan quản lý được đưa ra trong bối cảnh những tranh cãi về ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới vẫn chưa có hồi kết. Rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn "cự tuyệt" loại cây trồng biến đổi gen và thực phẩm biến đổi gen.

Ông Quách Thành Đồng – Tổng Giám đốc Nông dược HAI nhận chứng nhận Nhà phân phối chính thức từ Giám đốc kỹ thuật Dekalb Châu Á – Thái Bình Dương.

Cuối năm 2015, Dekalb Việt Nam đã lựa chọn một đối tác trong nước là Công ty Nông dược HAI làm nhà phân phối chính thức của sản phẩm Thuốc trừ cỏ Maxer 660SC. 

Trong một hội thảo về an ninh lương thực diễn ra đầu tháng 3/2017, đại diện Monsanto khẳng định rằng "Dekalb Việt Nam đã luôn đồng hành cùng với nông dân trong suốt 20 năm qua. Monsanto đã đầu tư hơn 1 triệu USD cho các hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển các loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu và canh tác tại Việt Nam, giúp nông dân cải thiện năng suất".

Điều đáng nói là tháng 10/2016, Tập đoàn Bayer (Đức) công bố đã mua lại Monsanto (Mỹ) với giá là 59 tỷ Euro (66 tỷ USD). Dư luận e ngại rằng sự sáp nhập của hai tập đoàn hóa chất lớn nhất nhì hành tinh này hợp thành một tập đoàn duy nhất đứng hàng đầu thế giới trong mảng thị trường hạt giống và chất khai quang, tiêu diệt côn trùng sẽ đem lại nhiều hậu quả khôn lường.

Đây là cuộc "hôn nhân" lớn nhất cho tới nay của ngành công nghiệp và kỹ nghệ Đức. Dự tính Bayer-Monsanto sẽ trở thành một người khổng lồ kiểm soát hơn 25% nguồn cung hạt giống cây trồng và thuốc trừ sâu trên thế giới.

Ngày 14/9/2016, Tổng giám đốc Bayer - ông Werner Baumann ký với Tổng giám đốc Monsanto - ông Hugh Grant, hợp đồng thỏa thuận mua bán, với một tập văn bản gồm 80 trang. Như vậy, hầu hết các vụ án khởi tố liên quan đến Monsanto có thể bị tiêu hủy vì trên nguyên tắc công ty này đã bị bán, không còn danh nghĩa tồn tại nữa. Sẽ lại tiếp những tranh cãi pháp lý về chuyện này.

Tin mới lên