Tiêu điểm

Vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam tăng trưởng GDP trên 7%

(VNF) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% - 6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.

Vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam tăng trưởng GDP trên 7%

Năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam tăng trưởng GDP trên 7%

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), chất lượng tăng trưởng kinh tế năm 2019 đã có cải thiện, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018).

Tuy nhiên, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) chỉ đạt 6.07, thấp hơn nhiều so với mức 6,42 năm 2016 và 6,11 năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Năm 2019, động lực chính của tăng trưởng kinh tế tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Theo GSO, tính chung cả năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với năm trước (năm 2018 tăng 12,4%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2019 tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2018 tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2019 đạt 68,8% (năm 2018 là 64,4%).

Theo lãnh đạo GSO, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp hơn năm trước là một tín hiệu vui của nền kinh tế.

Mức tồn kho này không đáng lo ngại vì chỉ mang tính tạm thời, có khả năng giải tỏa trong thời gian tới.

Doanh nghiệp giải thể tăng mạnh

Về tình hình doanh nghiệp, tính chung năm 2019, cả nước có 138 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp, tăng 17,1% về vốn đăng ký.

Cả nước cũng đón nhận 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018. Con số này nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2019 lên 177,5 nghìn doanh nghiệp. Như vậy trung bình mỗi tháng có gần 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn năm 2019 cũng tăng lên đáng kể, đạt 28,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,9% so với năm trước.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể đạt 43,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,7%, trong đó có 17,7 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2%.

Thu ngân sách vượt dự toán

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2019 ước tính đạt 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 97,7%; thu từ dầu thô 53,3 nghìn tỷ đồng, bằng 119,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 210,2 nghìn tỷ đồng, bằng 111,1%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2019 ước tính đạt 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 927,9 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8%; chi đầu tư phát triển 246,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; chi trả nợ lãi 99,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5%.

Tin mới lên