Tiêu điểm

WB: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,5 - 3,0% năm nay

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam dường như đang được củng cố và trở nên sâu rộng hơn, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5 - 3,0% vào năm 2020. Thông tin vừa được đưa ra tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của tổ chức này.

WB: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,5 - 3,0% năm nay

WB: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,5 - 3,0% năm nay

Theo WB, tính đến giữa tháng 10, đại dịch Covid-19 dường như đã được kiểm soát tốt, cả nước chỉ ghi nhận 1.100 ca nhiễm và 35 ca tử vong kể từ khi bắt đầu dịch vào đầu tháng 2. Đặc biệt, đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nào trong hơn một tháng.

Kinh tế tăng tốc trở lại trong quý III

Sau khi rơi vào suy thoái kỷ lục trong quý II với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,39%, kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng lên đến 2,62% trong quý III/2020.

Tổng thể, nền kinh tế tăng trưởng 2,1% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đạt 7,0% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Báo cáo cho biết, ở cấp độ ngành, ngành công nghiệp tăng trưởng 3,08% trong 9 tháng, tiếp theo là nông nghiệp (1,84%) và dịch vụ (1,37%). Ngành dịch vụ có sự sụt giảm lớn nhất vì cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến cả ngành du lịch và giao thông vận tải. Số lượng khách du lịch nước ngoài giảm 70% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ phục hồi tăng lên vào tháng 9

Mặc dù đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với giai đoạn trước khi xuất hiện dịch Covid-19, nhưng theo WB, sản lượng sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng trong tháng 9, cao hơn so với tháng 8.

Cụ thể, trong tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) tăng 2,4% (so với cùng kỳ tháng trước) và 4,8% (so với cùng kỳ năm trước), trong khi tháng 8/2020 ghi nhận mức tăng 2,1% (so với cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và chế biến thực phẩm, hóa chất và dược phẩm, sản xuất than cốc và kim loại, thiết bị gia dụng và đồ nội thất đã tăng trưởng với tốc độ tích cực trong suốt thời gian khủng hoảng.

Tăng trưởng nguồn thu từ bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (SA) hồi phục lên mức 2,2% (so với cùng kỳ tháng trước) trong tháng 9 và tăng 5,3% so với tháng 9/2019. Doanh thu bán hàng qua đường bưu điện là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong tiểu ngành này. Du lịch và vận tải hành khách trong nước đang trên đà tăng trở lại.

Việc làm ở thành thị bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19

Báo cáo WB cho biết, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng mạnh - mặc dù từ mức thấp – do việc cả nước thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4. Người lao động thành thị bị ảnh hưởng nhiều nhất vì nhiều người gặp khó khăn do các biện pháp can thiệp và hạn chế đi lại.

Mặc dù các điều kiện dần được cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng thị trường lao động vẫn cần thêm thời gian để phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị không những cao hơn mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Covid-19, mà một số lượng lớn người lao động đã rời lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chỉ đạt 74,0% trong quý III, thấp hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thặng dư thương mại hàng hóa đạt mức kỷ lục, cùng với đó là chênh lệch lớn giữa các thị trường xuất khẩu

Thặng dư thương mại hàng hóa (SA) của Việt Nam đạt 16,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, một phần nhờ mức thặng dư 2,8 tỷ USD trong tháng 9.

Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 8% (so với cùng kỳ tháng trước), trong khi hàng nhập khẩu tăng 10,7%. Các đơn vị xuất khẩu trong nước tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ - tăng 20,2% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019 - còn các đơn vị xuất khẩu nước ngoài giảm 2,9%.

Kim ngạch xuất khẩu có mức chênh lệch lớn giữa các thị trường trong 9 tháng đầu năm, với giá trị hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng, nhưng lại giảm nhẹ tại thị trường EU. Tương tự, giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 2,7%, nhưng lại giảm từ tất cả các đối tác quan trọng khác.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 9 đã tăng trở lại mức tháng 4 và tháng 5 sau khi sụt giảm trong tháng 8

Giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục trong tháng 9, tăng từ mức 720 triệu USD trong tháng 8 lên đến 1,65 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn FDI cam kết giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2019 – đây vẫn là kết quả rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự đoán giảm từ 30-40% theo dự báo mới nhất của UNCTAD.

Lạm phát tiếp tục giảm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 vẫn đi ngang so với tháng 7 và tháng 8/2020 đã phản ánh sự ổn định trong ngắn hạn của giá thực phẩm, năng lượng và giao thông. Lạm phát trong tháng 9 tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng lên.

Dư nợ cho vay nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức khiêm tốn

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức thấp trong tháng 9 với tốc độ 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) - giảm so với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,2% trong 5 năm trước. Do tiền gửi của khách hàng tiếp tục tăng nhanh hơn, ở mức 12,4% so với tháng 9/2019, thanh khoản vẫn dồi dào trên thị trường tài chính trong nước.

Các ngân hàng ngần ngại cấp tín dụng là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm và rủi ro cao hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, cho dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng các điều kiện cho vay trong những tháng gần đây.

Nợ xấu vẫn ở mức thấp

Tính đến tháng 9, nợ xấu theo báo cáo vẫn ở mức thấp ước tính khoảng 1,63% tài sản của các ngân hàng, một phần là do quy định của NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, một số thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, cả tỷ lệ nợ xấu và tỷ suất lợi nhuận ròng của các ngân hàng đều giảm dần trong những tháng gần đây, gây áp lực ngày càng lớn lên ngành ngân hàng.

Dư địa tài khóa lại đang bị thu hẹp do chi tiêu đầu tư phát triển tăng mạnh và nguồn thu giảm

Kể từ đầu cuộc khủng hoảng Covid-19, Chính phủ đã chuyển từ chính sách tài khóa thắt chặt sang ngược chu kỳ, với mục tiêu hạn chế chi phí ngắn hạn đối với nền kinh tế và kích thích phục hồi.

Do đó, tổng thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2020 tăng 40,1%. Điều này một phần là do tốc độ giải ngân đã được cải thiện tích cực, chiếm 57,2% tính đến tháng 9/2020 (số liệu giải ngân năm 2019 là 45,1%).

Với thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước, Kho bạc Nhà nước đang vay trong nước với lãi suất hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu vốn của Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại, Kho bạc đã huy động được hơn 236,34 nghìn tỷ đồng từ thị trường trong nước. Trong phiên đấu giá gần đây nhất vào đầu tháng 10, lãi suất trung bình là 2,66%, giảm 0,3% so với phiên đấu giá trước đó vào ngày 30/9/2020, cho các kỳ hạn từ 15 - 30 năm.

WB cho rằng, trong tương lai, sự phục hồi kinh tế dường như đang được củng cố và trở nên sâu rộng hơn, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5 - 3,0% vào năm 2020. Do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro mà lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính đang phải đối mặt.

Tin mới lên