Công nghệ

Website khám bệnh trực tuyến của CEO Việt hút vốn ngoại​

Dự án ViCare của Phạm Anh Đức giúp người dùng trả lời câu hỏi "Tôi bị bệnh gì, nên khám ở đâu, chăm sóc sức khỏe thế nào?".

Website khám bệnh trực tuyến của CEO Việt hút vốn ngoại​

Phạm Anh Đức, CEO ViCare.vn.

Hai quỹ đầu tư nước ngoài gồm CyberAgent Ventures (Nhật Bản) và Pix Vine Capital (Singapore) vừa rót hơn 10 tỷ đồng vào website ViCare.vn. Đây là chuyên trang cung cấp thông tin khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trực tuyến do Phạm Anh Đức thành lập. 

Đại diện quỹ đầu tư CyberAgent Ventures nhìn nhận, ViCare đã đi đúng hướng khi tập trung vào y tế, một lĩnh vực tiềm năng vì đây là nhu cầu thiết yếu của người dân. Dịch vụ y tế hiện đối mặt với thực trạng quá tải về cơ sở vật chất, thiếu bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh... Những dự án khởi nghiệp như ViCare góp phần giúp người dân tiếp cận nguồn thông tin khám chữa bệnh nhanh, hiệu quả.

Công ty CP ViCare (ViCare Corporation) thành lập vào cuối năm 2015. Gần 2 tháng sau, website đã đi vào vận hành.

Trong vòng 6 tháng, ViCare xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú gồm thông tin chi tiết trên 19.000 cơ sở y tế, 20.000 bác sĩ trên toàn quốc và số liệu này cập nhật, bổ sung hàng ngày. Trước khi nhận 500.000 USD từ quỹ CyberAgent Ventures và Pix Vine Capital, vào tháng 5, ViCare cũng kêu gọi vốn thành công từ nhà đầu tư tại Hà Nội và TP HCM.

ViCare giúp người dùng trả lời câu hỏi "Tôi bị bệnh gì?" qua tra cứu cơ sở dữ liệu về bệnh, triệu chứng thu thập từ hàng trăm nghìn thắc mắc tương tự của người bệnh khác, kết nối trực tiếp đến bác sĩ, chuyên gia nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kèm theo là dữ liệu về cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe cũng như bác sĩ trên cả nước, có đánh giá và xếp hạng của người dùng cùng tiện ích đặt khám nhanh. Người dùng có thể tham khảo thông tin về thuốc, thực phẩm cũng như các bài viết từ các nguồn uy tín về việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe   

Hiện mỗi tháng có 200.000 lượt truy cập vào ViCare.vn, 3.000 nhận xét đánh giá về cơ sở y tế và bác sĩ. Người dùng cũng gửi đến website khoảng 6.000 câu hỏi về các vấn đề chăm sóc sức khỏe hay thông tin cơ sở y tế, chuyên gia... Hệ thống cơ sở dữ liệu trên 32.000 cơ sở y tế, 32.000 bác sĩ, hơn 10.000 loại bệnh, triệu chứng, 30.000 loại thuốc và dược chất, 40.000 câu hỏi đáp của người dùng với các bác sĩ và chuyên gia.

Vị CEO trẻ tuổi cho biết, sau 7 năm làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, cảm thấy thời gian đi làm thuê lấy kinh nghiệm đã đủ nên anh quyết định chuyển sang khởi nghiệp ở mảng y tế. Ngành y cũng là mơ ước từ bé của Đức. Anh từng thi đỗ ngành này nhưng không có điều kiện theo học.

Một lý do khác khiến Đức muốn thành lập ViCare là sự khó khăn của chính bản thân, bạn bè trong việc tìm kiếm các thông tin y tế được kiểm định và mang tính xác thực cao. Việc lập nên website quy tụ các thông tin chính thống sẽ giúp người dân tìm những cơ sở y tế cũng như kiến thức chăm sóc sức khỏe phù hợp với bản thân.


Việc các quỹ đầu tư ngoại tham gia giúp ViCare có thêm nguồn lực phát triển vững chắc.

Lúc mới khởi nghiệp, anh gặp khó khăn về tài chính và nhân lực. Có thể sử dụng tiền tích cóp, vay mượn nhưng để tìm được người đồng hành tin tưởng khó hơn nhiều. Để truyền đạt ý tưởng và thuyết phục cho người khác thấu hiểu và hợp tác đòi hỏi sự kiên nhẫn cùng kỹ năng giao tiếp tốt.

Việc thuyết phục thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là ý tưởng có thực thi được hay không, quy mô thị trường. Bản thân người đứng đầu phải chứng tỏ khả năng hiện thực hóa ý tưởng, thể hiện lòng tin và quyết tâm lèo lái dự án đến đích.

"Người Việt chịu khó đầu tư y tế, giáo dục cho con cái và người thân trong gia đình. Thị trường chưa có sản phẩm dẫn đầu và đây là cơ hội để xây dựng sản phẩm khác biệt chiếm lĩnh thị trường trong thời gian ngắn. Mục tiêu này có ý nghĩa nhân văn nên dù có đạt kết quả doanh thu hay không cũng rất đáng để thử", Anh Đức nhấn mạnh.

Để tồn tại và phát triển rất cần đến sự thích nghi, bản lĩnh ứng phó với mọi tình huống. Khi bắt đầu dự án, mọi người đều có cảm nhận riêng của mình về thị trường và cho rằng đây là nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, suy nghĩ đó đều là giả thuyết của người đứng đầu, chưa chắc là mong muốn thực tế của người dùng. Để biết đi đúng hay không, cần phải thử nghiệm nhiều, đánh giá và sửa sai, xây dựng sản phẩm và tương tác với người dùng.

"Thất bại là chuyện thường xảy ra, nhưng bạn trẻ không nên lo sợ, hãy mạnh dạn thử sức. Khởi nghiệp đôi khi còn cho bạn kinh nghiệm tốt hơn cả sách vở. Tuy nhiên cần cân nhắc chọn lĩnh vực phù hợp, bảo toàn vốn vì nếu mất hết sẽ rất khó khăn gầy dựng lại, nhất là khi chúng ta còn trẻ, chưa có tích lũy nhiều", Anh Đức nói. 

Trước khi bắt tay làm dự án ViCare, anh từng là CEO của công ty chuyên cung cấp giải pháp quản trị điện toán đám mây cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; giám đốc Marketing toàn quốc của công ty thương mại điện tử Lazada Việt Nam và tư vấn viên tại tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey ở Singapore, Thái Lan và Indonesia.

Tin mới lên