Tài chính quốc tế

WHO bác giả thiết thực phẩm là nguồn lây nhiễm đại dịch Covid-19

(VNF) - Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy con người có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bề mặt hoặc bao bì thực phẩm.

WHO bác giả thiết thực phẩm là nguồn lây nhiễm đại dịch Covid-19

WHO bác giả thiết thực phẩm là nguồn lây nhiễm đại dịch Covid-19.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong vòng khoảng 40 ngày gần đây, đã có ít nhất 9 địa phương ở Trung Quốc thông báo xét nghiệm thấy virus SARS-CoV-2 trên bao bì hoặc bề mặt thực phẩm và hải sản đông lạnh nhập khẩu. Điều này đã dấy lên lo ngại về việc những chuyến hàng nhiễm khuẩn có thể tạo ra các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.

Trước đó, WHO cũng đưa ra các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bao bì thực phẩm từ hàng giờ cho đến hàng ngày, tùy thuộc vào vật liệu, nhiệt độ và độ ẩm. Đặc biệt, trên chất liệu nhựa và giấy, loại virus này có thể tồn tại 4-5 ngày.

Tuy nhiên, cũng theo WHO, hiện không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bề mặt hoặc bao bì thực phẩm.

"Không nên lo sợ thực phẩm hay việc đóng gói, xử lý, giao nhận thực phẩm. Không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hay chuỗi thực phẩm góp phần trong sự lây nhiễm của virus", Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva mới đây.

Còn theo trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, Trung Quốc đã thử nghiệm vài trăm nghìn mẫu bao bì và cho đến nay chỉ phát hiện chưa đến 10 mẫu có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2.

“Chúng ta biết rằng virus có thể tồn tại trên bề mặt một thời gian, tuy nhiên nó sẽ bị tiêu diệt nếu bạn rửa tay hoặc sử dụng các dung dịch tẩy rửa có cồn. Nếu virus thực sự có trong thực phẩm thì virus cũng có thể bị tiêu diệt giống như các loại virus khác, bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín, và đến hiện nay chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus qua việc tiêu thụ thực phẩm", bà Maria khẳng định.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng đã đưa ra những lập luận tương tự WHO về mối lo ngại thực phẩm có thể là nguồn lây nhiễm đại dịch Covid-19.

Từ sau khi ổ dịch liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa (quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh) bùng phát hồi cuối tháng 6, Trung Quốc triển khai chiến dịch toàn quốc nhằm kiểm tra tất cả thực phẩm tươi sống được trữ đông có nguồn gốc từ “những nước có nguy cơ cao”. Các sản phẩm này bao gồm hải sản, thịt và rau củ quả đông lạnh.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 13/8 đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bề mặt cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil.

Các cơ quan y tế thành phố đã ngay lập tức truy tìm và xét nghiệm tất cả những người có khả năng tiếp xúc với mặt hàng này. Tất cả đều cho kết quả âm tính.

Trước đó, giới chức y tế thành phố Yên Đài (tỉnh Sơn Đông) và thành phố Vu Hồ (tỉnh An Huy) trong 2 ngày 11-12/8 cũng xác nhận tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bao bì đóng gói hải sản đông lạnh.

Toàn bộ những người tiếp xúc gần với những sản phẩm này đã phải lấy mẫu xét nghiệm và cũng cho kết quả ban đầu là âm tính.

Xem thêm >> Trung Quốc cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ phát tán ‘virus chính trị’

Tin mới lên