Tài chính quốc tế

WHO công bố báo cáo nguồn gốc Covid-19, 14 nước lên tiếng chỉ trích

(VNF) - WHO công bố báo cáo kết quả của cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 mà không có một kết luận chắc chắn nào khiến 14 nước lên tiếng chỉ trích.

WHO công bố báo cáo nguồn gốc Covid-19, 14 nước lên tiếng chỉ trích

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

WHO công bố báo cáo sau nhiều lần trì hoãn

Ngày 30/3, báo cáo dài 120 trang về nguồn gốc Covid-19 của WHO đã chính thức được công bố sau nhiều lần trì hoãn. Theo báo cáo, virus SARS-CoV-2 có "nhiều khả năng" lây sang người từ vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Tuy nhiên, báo cáo chưa chỉ ra được đây là loài vật cụ thể nào.

Cũng trong báo cáo, một giả thuyết khác được đề cập là virus "có khả năng" lây truyền từ một loại động vật mang virus corona tương tự như dơi hay tê tê. Báo cáo này cũng đánh giá việc virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh là "ít khả năng" và giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là "rất khó xảy ra".

Trong khi một số ý kiến cho rằng virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan "nhiều tháng" trước khi được phát hiện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, báo cáo của WHO cũng cho rằng virus đã lây lan trên người không quá 1-2 tháng trước khi nó được phát hiện vào tháng 12/2019

Được biết, bản báo cáo trên là kết quả điều tra phối hợp giữa nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chức Trung Quốc trong chuyến điều tra tại tâm dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm nay. 

Xuyên suốt 240 mặt giấy, báo cáo của WHO chỉ đánh giá khả năng "ít, nhiều" của các giả thuyết mà không đưa ra lời khẳng định cụ thể nào khiến nhiều nước lên tiếng chỉ trích. 

Mặc dù vậy, nhóm chuyên gia của WHO thừa nhận trong quá trình điều tra họ đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép chính trị, nhưng họ không bao giờ bỏ qua "các yếu tố quan trọng" trong báo cáo.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng báo cáo góp phần nâng cao hiểu biết về đại dịch Covid-19 nhưng cần điều tra kỹ hơn và tất cả các giả thuyết về nguồn gốc SARS-CoV-2 vẫn để ngỏ.

"Quan điểm của WHO là tất cả các giả thuyết vẫn để ngỏ. Báo cáo này là một khởi đầu rất quan trọng, nhưng chưa phải là cuối cùng. Chúng ta chưa tìm ra nguồn gốc virus, chúng ta phải tiếp tục dựa vào khoa học và không bỏ qua bất cứ giả thuyết nào", ông Tedros khẳng định.

Ngoài ra, ông Tedros cũng cho biết, nhóm chuyên gia đã gặp phải những khó khăn trong quá trình tiếp cận dữ liệu thô khi điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc do nước này từ chối cho họ tiếp cận dữ liệu thô về các ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán.

Ngày 30/3, báo cáo dài 120 trang về nguồn gốc Covid-19 của WHO đã chính thức được công bố sau nhiều lần trì hoãn

14 nước phản ứng

Sau khi WHO công bố báo cáo, 14 nước gồm Mỹ, Úc, Canada, Séc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh đã ra một tuyên bố chung chỉ trích báo cáo của WHO phối hợp với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19.

Cụ thể, tuyên bố này chỉ trích việc điều tra nguồn gốc đại dịch bị trì hoãn và việc nhóm chuyên gia không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu thô trong quá trình điều tra.

"Mối quan ngại của chúng tôi là nghiên cứu của chuyên gia quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2 đã bị trì hoãn quá lâu và không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu ban đầu cũng như các mẫu xét nghiệm", tuyên bố chung đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Theo đó, các nước cho rằng cần tiến hành thêm những nghiên cứu khác để xác định cách thức virus lây truyền sang người và yêu cầu một cam kết mới từ WHO cũng như các nước thành viên về khả năng tiếp cận, minh bạch và kịp thời.

Tuyên bố nhấn mạnh các chuyên gia cần có quyền tiếp cận đầy đủ mọi dữ liệu về người bệnh, động vật, môi trường cũng như toàn bộ các yếu tố xoay quanh giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh nhằm xác định nguồn gốc và ngăn chặn việc lây lan.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ giả thuyết virus bị phát tán từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc và khẳng định nước này không che giấu quy mô của dịch bệnh từ giai đoạn bùng phát. Bắc Kinh cũng cáo buộc các nước phương Tây tìm cách "chính trị hóa" một vấn đề mang tính khoa học và yêu cầu WHO điều tra nguồn gốc đại dịch ở những nơi khác trên thế giới.

Xem thêm >> Kênh đào Suez: Bắt đầu điều tra nguyên nhân của ‘vụ tắc đường đắt đỏ nhất lịch sử’

Tin mới lên