Tiêu điểm

World Bank: Giá năng lượng tăng nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát

(VNF) - Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022, World Bank nhận định giá năng lượng tăng tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát CPI, tuy nhiên giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định giúp cho lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

World Bank: Giá năng lượng tăng nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát

World Bank: Giá năng lượng tăng nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát.

World Bank cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021.

Theo World Bank, giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Trong khi đó, giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do nhà nước quản lý) tăng ở mức 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo, World Bank đánh giá tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm tốc do nhu cầu từ khu vực kinh tế đối ngoại đối với các mặt hàng điện tử chững lại. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng đầu tiên của năm 2022 giảm xuống còn 2,4% (so cùng kỳ năm 2021) từ mức 8,7% vào tháng 12/2021 (so cùng kỳ năm 2020).

Theo World Bank, sự giảm tốc này chủ yếu do sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học giảm 5,0% (so cùng kỳ năm trước), so với tốc độ tăng 15,6% trong tháng 12/2021. Trong khi đó, sản xuất các sản phẩm kim loại, may mặc và giày da đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% (so cùng kỳ năm trước).

World Bank nhận định hai xu hướng trái ngược trên chủ yếu được dẫn dắt bởi nhu cầu từ khu vực kinh tế đối ngoại do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này cũng thể hiện xu hướng tương tự.

Ngoài ra, sự khác biệt về tình trạng thiếu hụt lao động trong từng ngành cụ thể cũng có thể là yếu tố đóng góp vào hiện tượng này. Tại thời điểm đầu tháng 1/2022, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học giảm 1,7% (so cùng kỳ năm trước) trong khi số lao động trong các ngành may mặc và giày da đã đạt hoặc thậm chí vượt các mức trước đó một năm.

Một nguyên nhân khác mà World Bank đưa ra là khủng hoảng có thể đã dẫn đến việc đẩy mạnh tự động hóa trong ngành sản xuất sản phẩm điện tử, và vì vậy, làm giảm nhu cầu lao động.

Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rõ rệt từ 52,5% trong tháng 12/2021 lên 53,7%, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, cho thấy điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.

Về bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, World Bank cho biết trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng dương (so cùng kỳ năm trước) lần đầu tiên kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vào cuối tháng 4/2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 6,7% so tháng trước và 1,3% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số này phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa, được đẩy mạnh khi các hộ gia đình chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Cụ thể, doanh số bán lẻ hàng hóa, chiếm trên 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 7% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 5,2% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tín dụng trong tháng 1 tăng trưởng nhanh hơn, ở mức 16,3% so cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng cao hơn là vì nhu cầu tín dụng gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và các hộ gia đình đẩy mạnh chi tiêu trước Tết.

Do nhu cầu tín dụng cao hơn, lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng bật tăng lên 2,42% vào thời điểm cuối tháng 1 so với 0,73% cuối tháng 12/2021.

Cũng trong tháng 1/2022, ngân sách nhà nước ghi nhận bội thu đáng kể, đạt khoảng 69.600 tỷ đồng. Đầu tư công giảm 14,0% so cùng kỳ năm trước, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh hơn, tăng gần 25% so cùng kỳ năm trước.

Kho bạc Nhà nước dự kiến sẽ huy động 400.000 tỷ đồng (17,6 tỷ USD) trong năm 2022 trên thị trường trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ bằng nội tệ. Đến cuối tháng 1, đã phát hành 23.100 tỷ đồng trái phiếu, đạt 5,8% kế hoạch.

Thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ chi phí huy động vốn ở mức thấp, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp ổn định ở mức 2,08% vào cuối tháng 1.

Ngoài ra, trong tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023. Trong đó các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách có tổng quy mô tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.

Các hỗ trợ chính của Chương trình bao gồm tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và bổ sung thêm vốn đầu tư công, trong khi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền còn hạn chế.

Tin mới lên