Tài chính

WSJ: 'Nới room Vinamilk là khoảnh khắc biểu tượng của Việt Nam'

Trong một bài viết đăng sau khi Việt Nam chính thức nới room khối ngoại công ty Vinamilk, Nhật báo phố Wall đánh giá đây là một trong những "khoảnh khắc biểu tượng" của thị trường.

WSJ: 'Nới room Vinamilk là khoảnh khắc biểu tượng của Việt Nam'

Từ đầu năm tới nay, mã VNM đã tăng hơn 20%.

Chiều 20/7, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã: VNM) công bố văn bản chấp thuận của Ủy ban chứng khoán nhà nước xác nhận không giới hạn sở hữu nước ngoài VNM. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VNM tối đa là 100%.

Động thái này là một "khoảnh khắc biểu tượng" của thị trường Việt Nam và chính phủ trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Quá trình này lâu nay bị đánh giá là chậm chạp và ì ạch. 

"Bước đột phá lớn cuối cùng cũng diễn ra", ông Steven Mantle, giám đốc gây quỹ nước ngoài tại VietFund Management nhận xét. Ông miêu tả VNM là "con cưng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 1 thập kỷ qua", và quyết định này có thể mở đường cho chính phủ bán 45% cổ phần trong VNM. 

Chốt phiên ngày 20/7, cổ phiếu VNM lội ngược dòng đà giảm của thị trường, tăng 3,3% lên 158.000 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm tới nay, mã này đã tăng hơn 20%. 

Cổ đông ngoại tại VNM bao gồm công ty Fraser & Neave Ltd niêm yết trên sàn Singapore giữ 11%, Matthews International Capital Management trụ sở tại Mỹ, nắm giữ 5%. 

Ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc PXP Vietnam Asset Management Ltd, dự đoán việc VNM được nới room sẽ cổ vũ các công ty khác đề xuất tương tự để cải thiện mức độ tiếp cận trong những tháng tới. 

Việt Nam đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư ngoại để mắt. Cuối năm ngoái Singha Group của tỷ phú Thái Lan đã chi 1,1 tỷ USD mua cổ phần trong một số công ty con của tập đoàn Masan, đánh dấu một trong những thương vụ M&A lớn nhất lịch sử của Việt Nam.

Ngoài ra, có thể kể đến một số thương vụ lớn khác như Tập đoàn Casino SA của Pháp bán cổ phần tại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam cho Central Group của Thái Lan với giá 1,14 tỷ USD vào tháng Tư vừa qua. 

Năm 2012, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ chi 743 triệu USD mua 20% cổ phần trong ngân hàng VietinBank.

Tin mới lên