Tài chính quốc tế

WTO mở đường cho ông Trump đánh thuế 7,5 tỷ USD hàng hóa EU

Ông Trump có khả năng dùng kịch trần mức 7,5 tỷ USD hàng hóa EU mà WTO cấp để áp thuế trả đũa việc khối này trợ cấp cho Airbus.

WTO mở đường cho ông Trump đánh thuế 7,5 tỷ USD hàng hóa EU

(Ảnh minh họa)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chuẩn bị chấp thuận cho Mỹ đánh thuế trả đũa lên hàng hóa châu Âu, xuất phát từ tranh chấp trợ cấp máy bay hàng chục năm giữa hai bên. WTO cho rằng cả Airbus và Boeing đều đã nhận hàng tỷ USD trợ cấp bất hợp pháp trong 15 năm qua từ châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ nhận được kết luận về mức độ được phép đánh thuế trả đũa sớm hơn. Trong khi đó, EU phải đợi đến đầu năm 2020 để có kết luận.

Cụ thể, WTO dự kiến công bố lượng hàng hóa EU mà Mỹ có thể đánh thuế trong tuần này. Nguồn tin của Reuters nói rằng, quy mô có thể vào khoảng 7,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong 24 năm thành lập của tổ chức.

Logo Airbus tại một trụ sở ở Blagnac, Pháp. Ảnh: Reuters

Các quyền trả đũa như vậy hiếm khi được cấp bởi WTO. Trong nhiều trường hợp, bên khiếu nại không thực hiện quyền được cấp. Tuy nhiên, Mỹ từng nói sẽ dùng tối đa phạm vi cho phép để áp thuế lên hàng hóa EU. Nước này từng công bố danh sách 25 tỷ USD hàng châu Âu nhắm đến để áp thuế, từ các bộ phận máy bay, hàng không vũ trụ đến rượu vang, phô mai và đồ xa xỉ.

Các nhà ngoại giao cho rằng, phán quyết của WTO trong vụ tranh chấp này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại quốc tế. Các nhà sản xuất EU đã đối mặt với thuế quan của Mỹ dành cho thép và nhôm. Ông Donald Trump còn đe dọa áp thuế ôtô, phụ tùng ôtô của châu Âu. 

Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tránh nguy cơ kẹt trong cuộc chiến thuế 'ăn miếng trả miếng', đã không diễn ra tốt đẹp. Hai bên đã đạt được một số tiến bộ về hợp tác pháp lý, nhưng một thỏa thuận giảm thuế bị vướng lại. Washington muốn hàng nông nghiệp được đưa vào nhưng Brussels không chấp nhận.

Chính quyền Trump cho rằng biện pháp áp thuế có hiệu quả trong việc đưa Trung Quốc lên bàn đàm phán thương mại và khiến Nhật Bản mở cửa thị trường nông sản. Do đó, theo các quan chức và cựu quan chức Mỹ, ông Trump khó bỏ qua cơ hội áp thuế trả đũa trợ cấp máy bay lên châu Âu.

Airbus nói việc áp thuế trả đũa sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại tất cả cùng thua. Một số hãng hàng không Mỹ kêu gọi không áp thuế vì có thể dẫn đến hậu quả là họ phải sa thải thêm lao động.

Các quan chức Mỹ nói rằng quyết định tiếp theo sẽ tùy thuộc vào Tổng thống Trump. EU thì không thể trả đũa ngay lập tức đối với bất kỳ hàng hóa nào, tương tự như hồi Mỹ áp thuế quan lên kim loại châu Âu vào năm 2018.

Giám đốc thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom, thúc giục Washington không trừng phạt và tìm kiếm một thỏa thuận tổng thể về trợ cấp máy bay, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ muốn đàm phán.

Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết Washington từng sẵn sàng đàm phán giải pháp, nhưng EU đã trợ cấp nhiều hơn cho Airbus thay vì khắc phục vấn đề.

Xem thêm >> Đối mặt loạt khủng hoảng, ông Boris Johnson có thể là Thủ tướng Anh tại nhiệm ngắn nhất

Tin mới lên