Bất động sản

Xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất: Bộ GTVT cần báo cáo trung thực với Thủ tướng

(VNF) - Trả lời VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Nếu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, quản lý, khai thác nhà ga T3, Tân Sơn Nhất sẽ đảm bảo nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một nhà khai thác như quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)”.

Xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất: Bộ GTVT cần báo cáo trung thực với Thủ tướng

Phối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của VietnamFinance, nhiều mô hình thực tiễn sân bay trên thế giới và ngay tại Việt Nam cũng không phải như lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo với Thủ tướng và ICAO không có quy định đó.

“Đánh tráo khái niệm”

Trước đó, ngày 25/3, để thanh minh cho việc Bộ GTVT quyết liệt chọn ACV xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng phát biểu trên báo Tuổi Trẻ rằng: "ACV đang quản lý, khai thác Tân Sơn Nhất nên cần phải khai thác đồng bộ cả khu bay lẫn nhà ga. Nếu chia nhà, bếp, sân, giếng mỗi người quản lý một cái thì không quản lý đồng bộ để phát triển được". Vậy điều Thứ trưởng Thọ nói có đúng sự thật không?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, luật pháp hiện hành quy định khu bay các sân bay không phải của ACV, mà do nhà nước đầu tư là tài sản của Nhà nước, không phải của ACV. Vì vậy, những gì thực sự là của ACV tại các sân bay Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhà ga hành khách.

Như vậy, bằng cách nói trên, ông Lê Đình Thọ đang gây sự hiểu nhầm rằng: ở mỗi sân bay chỉ có thể có một nhà đầu tư và khai thác nhà ga hành khách và mặc nhiên đó là ACV (vì ACV đã và đang là "ông chủ" của 21 nhà ga hiện nay). Tuy nhiên, lý giải này của ông Thọ là không đúng.

“Hiện tại, tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) không có bất kỳ quy định nào rằng tất cả các nhà ga hành khách ở một sân bay phải thuộc một nhà đầu tư và khai thác nhà ga”, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không khẳng định.

Ông Tống ví dụ: Ngay ở các sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, các nhà ga quốc tế mới xây ở các sân bay này đâu phải do ACV đầu tư? Các nhà ga nhà là của các doanh nghiệp cổ phần mà tư nhân chiếm cổ phần chi phối, ACV chỉ có cổ phần nhỏ và chúng độc lập với các nhà ga do ACV đầu tư trước đó.

Chẳng lẽ ông Thứ trưởng cho rằng việc Bộ GTVT giao cho các nhà đầu tư không phải ACV xây các nhà ga quốc tế ở Đà Nẵng, Cam Ranh là sai so với quy định nào đó của ICAO?

TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không

Nếu nhìn ra quốc tế, điều ông Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói cũng không đúng. Ví dụ ở Mỹ có rất nhiều nhà ga hành khách ở các sân bay Mỹ là do các hãng hàng không đầu tư, không phải của các doanh nghiệp sân bay.

Đơn cử, nhà ga số 1 (Terminal One) ở sân bay quốc tế JFK của New York là 1 trong 6 nhà ga hành khách ở sân bay này, nhưng lại do một tổ hợp 4 hãng hàng không Air France, Lufthansa, Japan Airlines, Korean Air đầu tư và quản lý và khai thác. Việc một sân bay có các nhà ga hành khách thuộc các nhà đầu tư khác nhau là bình thường ở nước ngoài và đã có thực tế ngay ở Việt Nam (Đà Nẵng, Cam Ranh).

Thiết nghĩ, ông Thứ trưởng Bộ GTVT không nên đưa ra thông tin gây hiểu nhầm như vậy ra công luận. Còn nếu ông muốn dùng cách đó tạo áp lực dư luận để Thủ tướng phê duyệt đề xuất của ông giao dự án đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho ACV thì e rằng ông đã cố tình báo cáo không đúng sự thật với Thủ tướng.

Liệu xây dựng Tân Sơn Nhất có giống sân bay Pleiku?

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang trình 4 phương án đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, đồng thời đề nghị “chọn mặt, gửi vàng” Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư.

Cụ thể, ACV- Người khai thác cảng sẽ làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư, đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn khoảng 100.000m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650m2. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 11.430 tỷ đồng, thời gian xây dựng 43 tháng.

Điều này xa lạ với phương án quy hoạch mà tư vấn Pháp ADP-I đề xuất và đã được Thủ tướng phê duyệt (ADP-I đề xuất xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn lên tới 200.000 m2, phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm).

Để xây nhà ga T3, theo bản đề xuất quy hoạch của ADP-I, quỹ đất cần tối thiểu là 26ha, thậm chí khoảng 30ha. Không thể “nhồi” một nhà ga hành khách lớn như thế nào khu đất chỉ rộng 16,37ha theo bản quy hoạch được ông Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký tại Quyết định số 1942 ngày 31/8/2018.

Thử chồng bản quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do ông Lê Đình Thọ ký lên bản quy hoạch do ADP-I đã đề xuất với Chính phủ để xem chúng "vênh" nhau đến mức nào về nhà ga T3 và quỹ đất dành để xây dựng nhà ga T3.

Bộ GTVT không thể căn cứ vào đề xuất của tư vấn Pháp ADP-I để rồi ban hành một bản quy hoạch rất khác với cái ADP-I đã thực sự đề xuất và đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, người trình các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên Thủ tướng Chính phủ

Trước đó, tại dự án sửa chữa, nâng cấp CHC, đường lăn và sân đậu sân bay Pleiku (Gia Lai) do ACV làm chủ đầu tư. Dự án này vừa làm xong đã buộc phải nâng cấp mở rộng. Điều đó, cho thấy “tầm nhìn” và năng lực của ACV cũng rất hạn chế.

Vậy nếu giao cho ACV thi công nhà ga T3, Tân Sơn Nhất và quyết thực hiện trên khu đất 16,37 ha (thay vì 26ha như ADP-I đề xuất) để đón 20 triệu khách, liệu dự án này có giống như sân bay Pleiku, vừa đầu tư xây dựng xong đã phải nâng cấp không?

Tin mới lên