Tiêu điểm

Xếp hạng chỉ số công khai ngân sách: 4 tỉnh bị chấm 0 điểm

(VNF) - Kết quả xếp hạng "Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2017" do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) công bố cho thấy có 4 tỉnh bị chấm 0 điểm gồm: Bạc Liêu, Hậu Giang, Tây Ninh và Ninh Bình.

Xếp hạng chỉ số công khai ngân sách: 4 tỉnh bị chấm 0 điểm

Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2017 cho thấy một bức tranh chưa thực sự sáng về công khai ngân sách

Xếp hạng POBI theo 7 vùng địa lý cho thấy Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng có điểm trung bình về công khai ngân sách cao nhất, đạt 40,7/100 điểm. Tiếp đó là vùng Tây Nguyên (37,3/100 điểm), Đông Nam Bộ (33,1/100 điểm), Trung du và miền núi Bắc Bộ (31,5/100 điểm)…

Xét từng vùng, Sơn La là tỉnh dẫn đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với 63,9/100 điểm; Hải Dương dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng với 67,4/100 điểm; Quảng Trị dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ với 52,1/100 điểm; Khánh Hòa dẫn đầu Duyên hải Nam Trung Bộ với 68,6/100 điểm; Kon Tum dẫn đầu vùng Tây Nguyên với 70,2/100 điểm; TP. HCM dẫn đầu vùng Đông Nam Bộ với 56,8/100 điểm và An Giang dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 49,9/100 điểm.

Như vậy, Kon Tum là tỉnh dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2017.

Xét theo loại tài liệu ngân sách được công khai, "báo cáo dự thảo dự toán ngân sách tỉnh 2018 trình Hội đồng nhân dân" chỉ được 27 tỉnh công bố công khai. Cần Thơ dẫn đầu bảng xếp hạng này với 24,4 điểm (khá sát với điểm tối đa là 26,7/100 điểm). Tiếp theo là các tỉnh Đăk Nông, Lào Cai, Bắc Cạn, Sơn La, Thái Bình… thấp nhất là Lâm Đồng và Đồng Nai. Tựu trung, điểm trung bình của 27 tỉnh này là 12,4 điểm.

Trong khi đó, có 9 tỉnh công bố chậm từ 5 – 30 ngày, 9 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc công xác định được thời điểm công bố. Và có tới 36 tỉnh không công khai hoặc chỉ công khai nội bộ.

Đối với tài liệu "báo cáo dự toán ngân sách tỉnh 2018 đã được phê duyệt", có 51 tỉnh thành có công bố công khai (tương đương 81%). Dẫn đầu là các tỉnh Kon Tum, Khánh Hòa, Đồng Nai với 23,3 điểm (đạt điểm tối đa). Tiếp theo là Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn… thấp nhất là Tuyên Quang và Long An. Tựu trung, điểm trung bình của 51 tỉnh là 12,7 điểm.

Trong khi đó có 6 tỉnh công bố chậm từ 31 – 60 ngày, 10 tỉnh công bố sau 60 ngày hặc không xác định được thời điểm công bố và có 12 tỉnh không công khai hoặc công khai nội bộ.

Đối với tài liệu "báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý III/2017", có 28 tỉnh thành công bố công khai (tương đương 44%). Có 6 tỉnh đạt điểm tối đa (20 điểm) gồm: Kon Tum, Hải Dương, TP. HCM, Bình Định, Đồng Nai, Đà Nẵng. Tiếp đó là các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Cao Bằng… thấp nhất là Đắk Lắk, Hà Tĩnh. Điểm trung bình của 28 tỉnh này là 15,7 điểm.

Trong khi đó, có 9 tỉnh công bố chậm sau 15 – 30 ngày, 7 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được thời điểm công bố và 36 tỉnh không công khai hoặc công khai nội bộ.

Đối với tài liệu "báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2017", có 25 tỉnh thành công bố công khai (tương đương 39,7%). Có 6 tỉnh đạt điểm tối đa (13,3 điểm) gồm: Hải Dương, Bình Định, Quảng Trị, Lạng Sơn, Điện Biên và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tiếp theo là các tỉnh Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Long An… thấp nhất là Lâm Đồng, Bắc Cạn. Điểm trung bình của 25 tỉnh này là 8,8 điểm.

Trong khi đó, có 4 tỉnh không xác định được thời điểm công bố và 38 tỉnh không công khai hoặc công khai nội bộ.

Đối với tài liệu "báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh 2016", có 49 tỉnh thành công bố công khai (tương đương 77,8%). Dẫn đầu là tỉnh Kiên Giang với 16,1 điểm (sát điểm tối đa là 16,7 điểm). Xếp sau là các tỉnh Điện Biên, Quảng Bình, Bình Dương… thấp nhất là Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang. Điểm trung bình của 49 tỉnh thành là 6,3 điểm.

Trong khi đó, có 5 tỉnh công bố chậm sau 30 – 60 ngày, 14 tỉnh công bố sau 60 ngày hoặc không xác định được thời điểm công bố và 14 tỉnh không công khai hoặc công khai nội bộ.

Theo đánh giá của CDI và VEPR, kết quả xếp hạng công khai ngân sách tỉnh POBI 2017 cho thấy một bức tranh "chưa thực sự sáng về việc công khai ngân sách".

"Kết quả khảo sát có tới 81% số tỉnh (51/63 tỉnh thành) chỉ đạt dưới 50% tổng điểm POBI 2017", hai đơn vị nhấn mạnh.

CDI và VEPR khuyến nghị cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính và UBND tỉnh cần có các mục về công khai ngân sách. Các thông tin cần phải được cập nhật đầy đủ, đúng thời hạn để người dân được biết. Các tài liệu công khai cần phải được kèm quyết định công bố công khai thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Việc công khai các thông tin phải đam bảo đầy đủ đúng quy định, bao gồm các thông tin về Quyết định/Ngị quyết phê duyệt/ban hành tài liệu và đầy đủ phụ lục bảng biểu kèm theo", hai đơn vị này khuyến cáo.

Bảng xếp hạng chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2017 (POBI 2017) được xây dựng trên các tiêu chí: tính sẵn có (tài liệu được công bố công khai trên website chính thức của cơ quan điều hành ngân sách), tính kịp thời (tài liệu được công khai đúng thời điểm), tính đầy đủ (tài liệu công khai phải đầy đủ các biểu mẫu, nội dung theo quy định tại Thông tư 343/2017 của Bộ Tài chính).

Phương pháp khảo sát POBI 2017 gồm: rà soát các văn bản được công bố trên website của tỉnh và tiến hành qua 3 vòng khảo sát.

Được biết đây là năm đầu tiên chỉ số POBI được công bố.


Tin mới lên