Tài chính

‘Xếp hạng tín nhiệm là bình thường nhưng không hiểu sao lại là vấn đề ở Việt Nam’

(VNF) - Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường nhưng không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam.

‘Xếp hạng tín nhiệm là bình thường nhưng không hiểu sao lại là vấn đề ở Việt Nam’

Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam.

Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng thị trường vốn Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, hiện nay đã lớn nhất Đông Nam Á và sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Don Lambert, bất cứ thị trường nào có sự phát triển nhanh như vậy cũng có những rủi ro về hệ thống.

“Chúng ta có những khoản trái phiếu bán cho nhà đầu tư cá nhân và thật đáng tiếc khi có những nhà đầu tư mất tiền vì điều này. Thực tế, có những trái phiếu không phải lúc nào cũng tốt, luôn có những rủi ro. Việt Nam có thị trường trái phiếu phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng”, ông Don Lambert nói.

Cũng theo ông Don Lambert, hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực châu Á cũng có những đơn vị xếp hạng uy tín.

“Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu. Xếp hạng chính là ý kiến và bạn cần đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh bởi những ý kiến tác động của bên nào”, ông Don Lambert nói.

Ông Don Lambert cho rằng trong môi trường xếp hạng tín nhiệm chặt chẽ, các nhà đầu tư có thể hy sinh lợi nhuận để có xếp hạng tín nhiệm. Còn với những thị trường không có xếp hạng tín nhiệm thì cần các quy định pháp luật chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, theo ông Don Lambert, việc xếp hạng tín nhiệm cũng có chi phí khá đắt đỏ như chi phí kế toán, kiểm định… Và tất cả các chi phí này có thể lên tới hàng chục nghìn USD.

“Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường nhưng tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam”, ông Don Lambert băn khoăn.

Ở chiều ngược lại, ông Don Lambert cho rằng việc có nhiều doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm sẽ dẫn đến cạnh tranh, có thể có những xếp hạng không chính xác và đưa việc xếp hạng tín nhiệm xuống đáy. Hiện tại Việt Nam đã có vài đơn vị xếp hạng tín nhiệm và còn có thêm một số trong thời gian tới.

Ông Don Lambert đề xuất Việt Nam hãy nhìn sang các nước trong khu vực xem họ xếp hạng như thế nào. “Ví dụ ở Malaysia, nếu không được xếp hạng tín nhiệm lần 1 thì sẽ gửi yêu cầu xếp hạng lần 2, nhưng điều này sẽ khó áp dụng ở Việt Nam. Còn ở Ấn Độ, muốn xếp hạng lần 2 phải công bố xếp hạng lần đầu. Vậy thì sẽ có những doanh nghiệp xếp hạng 3 chữ A lần đầu nhưng 3 chữ B lần sau, như vậy việc xếp hạng tín nhiệm 'tan nát' ”, ông Don Lambert nói.

Tin mới lên