Tài chính tiêu dùng

Xét xử các vụ án tham ô tài sản: Nhiều khoản tiền chiếm đoạt được... rửa tiền

Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”.

Xét xử các vụ án tham ô tài sản: Nhiều khoản tiền chiếm đoạt được... rửa tiền

Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng (ảnh minh họa)

Sáng 17/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến công bố kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và kế hoạch hành động, giải quyết rủi ro tại điểm cầu trung tâm Hà Nội và 62 điểm cầu tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do WB xây dựng để thực hiện đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Theo đó, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan trong gần 2 năm triển khai tích cực NRA với 3 cuộc họp với chuyên gia WB, hơn 20 cuộc họp của các nhóm làm việc, NHNN gửi 2 lần xin ý kiến các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ gửi 1 lần xin ý kiến các bộ, ngành.

Đến ngày 30/4, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 474 phê duyệt, ban hành báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam giai đoạn 2012-2017 (Báo cáo NRA), kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 (Kế hoạch hành động sau NRA).

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Với các thông tin, số liệu, hồ sơ vụ việc thu thập được thông qua cơ chế phối hợp trong nước và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các bảng câu hỏi khảo sát, các nghiên cứu, thông tin mở (báo, tạp chí, internet); thông qua bộ công cụ của WB đã xác định được "Nguy cơ” về rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng như “Tính dễ bị tổn thương” trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam.

"Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là thấp. Báo cáo cũng đã xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho các lĩnh vực kinh tế.

"Triển khai đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố là nội dung quan trọng hàng đầu để phục vụ cho đánh giá đa phương cũng như có ảnh hưởng lớn đến kết quả đánh giá đa phương của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam vào cuối năm nay”, Phó Thống đốc nói.

Theo báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiến hành điều tra, khởi tố 1 vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô.

Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, so với tội hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn (cụ thể, năm 2016 xét xử 80 vụ với 161 bị cáo, năm 2017 xét xử 18 vụ với 41 bị cáo).

Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”.

Cũng theo báo cáo, đối với tội nhận hối lộ, so với các loại tội phạm nguồn khác của tội rửa tiền, số liệu truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này tương đối thấp (năm 2016 xét xử 15 vụ với 53 bị cáo, năm 2017 là 83 vụ với 151 bị cáo).

“Thực tế, hành vi nhận hối lộ thường khó phát hiện nhưng những năm gần đây những vụ án nhận hối lộ thường có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền đối với tội phạm này ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016”, báo cáo nêu.

Theo đó, báo cáo cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền đối với loại tội phạm này là trung bình cao.

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hàng năm đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là thấp hơn so với tội tham ô tài sản và cao hơn so với tội hối lộ (số liệu xét xử đối với loại tội phạm này vào năm 2016 và 2017 lần lượt là 26 vụ với 42 bị cáo và 34 vụ với 48 bị cáo).

Số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng (số tiền phải thi hành án năm 2016 là 18,1 tỷ đồng tương đương 0,82 triệu USD) vào năm 2016 nhưng tăng đột biến vào năm 2017 lên 64,4 tỷ đồng tương đương 2,93 triệu USD).

Báo cáo nêu rõ, tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng nên cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này cho đến nay cho thấy tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền.

Cụ thể, thời gian qua, có nhiều vụ đại án xảy ra có nguồn gốc từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản...

Tin mới lên