Ngân hàng

Xoá lỗ luỹ kế, TPBank có báo lãi 'ảo'?

Cuối năm 2015, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết đã có lợi nhuận hơn 562 tỷ đồng và xoá xong lỗ luỹ kế. Dù vậy, báo cáo của TPBank vẫn tồn tại những khoản lãi và phí phải thu gần 865 tỷ đồng. Một số chuyên gia tài chính nghi ngờ lãi dự thu sẽ gây ra lãi "ảo" cho nhiều ngân hàng.

Xoá lỗ luỹ kế, TPBank có báo lãi 'ảo'?

Năm 2015, TPBank có tăng trưởng tín dụng tới 42,35%,dư nợ đạt 28.240 tỷ đồng.

Sau chừng ba năm tái cơ cấu và chuyển chủ sở hữu, TPBank đã và đang có sự tăng trưởng ấn tượng trong hoạt động tín dụng, tiêu dùng cá nhân, đầu tư chứng khoán, ngoại hối… cùng nhiều mảng kinh doanh khác. Từ thua lỗ lớn, nợ xấu vượt giới hạn cảnh báo, ngân hàng này dường như đã "lột xác" với kết quả lợi nhuận tốt hơn.

"Dọn" 333 tỷ đồng lỗ luỹ kế

TPBank vừa công bố báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán, song chỉ là bản tóm tắt, không có thuyết minh chi tiết về các khoản mục huy động, cho vay, chứng khoán, phân loại nợ xấu…

Theo báo cáo tóm tắt này, năm 2015, TPBank có sự tăng trưởng rất cao ở nhiều chỉ tiêu kinh doanh, cụ thể: tổng tài sản tăng 48% đạt 76.220 tỷ đồng, huy động vốn từ khách hàng đạt 39.505 tỷ đồng (tăng 82,7%).

Năm qua, TPBank có tăng trưởng tín dụng ngoạn mục, tới 42,35% (dư nợ đạt 28.240 tỷ đồng) chỉ xếp sau VPBank (tăng trưởng tới 49%). Tín dụng tăng "nóng" khiến số dự phòng rủi ro cũng tăng gần gấp đôi, lên mức 262,6 tỷ đồng so với năm 2014. Hiện, TPbank không tiết lộ quy mô nợ xấu đang ở cấp độ nào, sau khi đã kéo nợ xấu về mức 1% cuối năm 2014 (nhờ bán đi 426 tỷ đồng nợ xấu)…

Hoạt động chứng khoán đầu tư của TPBank trong năm 2015 cũng "phình" to đáng ngạc nhiên với quy mô lên tới 21.578 tỷ đồng, tức tăng 54,3% so với cuối năm 2014. Dự phòng rủi ro chứng khoán giảm về còn gần 191 tỷ đồng.

Mục tiền gửi/cho vay các TCTD của TPBank cũng tăng gấp đôi so với đầu năm 2015, đến cuối kỳ đạt mức 20.290 tỷ đồng. Riêng tiền gửi tại các TCTD khác chiếm với hơn 17.809 tỷ đồng.

Tài sản có khác tăng đột biến gấp 3,3 lần số đầu năm, lên mức 4.380 tỷ đồng, mà chủ yếu là các khoản phải thu (3.680 tỷ đồng), khoản lãi phí phải thu gần 865 tỷ đồng, tài sản có khác 734 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro các tài sản có nội bảng của TPBank tăng lên gần 900 tỷ đồng…

Do các mảng kinh doanh đều tốt hơn nên năm 2015, thu nhập lãi thuần của TPBank tăng mạnh tới 43%, đạt 1.402 tỷ đồng, chỉ riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ gần 49 tỷ đồng.

Cả năm 2015, ngân hàng đạt tổng lợi nhuận trước thuế 625 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước, lãi sau thuế đạt 562 tỷ đồng, tăng 5%. Nhờ lãi lớn nên ngân hàng đã bù đắp hết số lỗ luỹ kế đến cuối năm 2014 còn gần 333 tỷ đồng, còn lại 229 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Hiện tại, TPBank có mức vốn điều lệ 5.550 tỷ đồng. Theo các báo cáo công bố, ngân hàng này ghi nhận số lỗ luỹ kế hơn 1.250 tỷ đồng tại ngày 31/12/2012 cùng với khoản thặng dư vốn cổ phần âm 1.019 tỷ đồng. Điều này khiến cho vốn chủ sở hữu bị "hao hụt" đáng kể, chỉ còn lại 3.319 tỷ đồng vào cuối năm 2012.

Lợi nhuận thực bao nhiêu?

Nhờ nỗ lực tái cơ cấu, cải thiện lợi nhuận, lỗ luỹ kế của TPBank đã giảm dần qua các năm, đến cuối năm 2015 thì xoá hết lỗ. Tuy nhiên, khoản thặng dư vốn cổ phần âm 1.019 tỷ đồng nêu trên vẫn chưa thể xử lý được, khiến cho vốn chủ sở hữu chỉ còn 4.527 tỷ đồng, thấp hơn vốn điều lệ.

Tuy nhiên, cần lưu ý là TPBank hiện còn các khoản phải thu (3.680 tỷ đồng); khoản lãi, phí phải thu (gần 865 tỷ đồng) rất lớn, cũng phải trích dự phòng rủi ro. Riêng về lãi dự thu, theo một số chuyên gia tài chính, khoản lãi, phí phải thu của nhiều ngân hàng (lãi dự thu) đã "phình" to đáng ngại, song khả năng thu hồi chưa thể đánh giá chính xác.

Và chuyên gia cũng nghi ngờ về ảnh hưởng của lãi dự thu tới kết quả lợi nhuận do ngân hàng công bố có thể gây nên lãi "ảo". Nếu không thu hồi được lãi dự thu và ghi nhận lãi "ảo" thì sẽ nguy hiểm không kém gì khối nợ xấu. Còn nhớ, trong đại án siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi của nhiều ngân hàng, tổ chức cá nhân đã được xét xử cuối năm 2014, có một khoản tiền gửi 380 tỷ đồng của công ty Chứng khoán Phương Đông ORS. Đây là tiền TPBank đã chuyển cho ORS để thực hiện hợp đồng môi giới chứng khoán, tư vấn mua trái phiếu từ năm 2011…

Sau khi ORS đem gửi tiền cho Huyền Như để "ăn chênh" lãi suất thì đã bị chiếm đoạt toàn bộ, để lại khoản nợ khó đòi cho TPBank. Đến nay, chưa rõ ngân hàng đã thu hồi được 380 tỷ đồng này chưa, hay xử lý "xoá" như thế nào?

Một điểm đáng chú ý, dù có quy mô vốn nhỏ nhưng TPBank lại có hoạt động giao dịch gửi tiền, vay tiền với các TCTD khác lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, cuối năm 2015, TPBank có khoảng 17.809 tỷ đồng tiền và vàng gửi tại các TCTD khác, tăng gấp đôi so với năm trước, cho vay đối tượng này là 2.481 tỷ đồng.

Ngược lại, TPBank đã nhận lượng tiền gửi từ các TCTD khác cỡ 18.995 tỷ đồng, vay thêm 10.400 tỷ đồng. Tính chung, tổng lượng tiền mà các TCTD khác "bơm" cho TPBank lên tới 29.395 tỷ đồng. Các năm trước, quy mô giao dịch với các TCTD khác cũng rất lớn, chủ yếu bằng vàng và ngoại tệ.

Tin mới lên