Tài chính

Xóa nợ đọng thuế: 'Cần quy rõ trách nhiệm cá nhân'

(VNF) - Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định xóa nợ và người đề xuất xóa nợ tiền thuế không đúng quy định của pháp luật.

Xóa nợ đọng thuế: 'Cần quy rõ trách nhiệm cá nhân'

Đề xuất ban hành Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế không còn khả năng thu hồi. (Ảnh minh hoạ)

Chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp 32 với việc cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Nợ đọng thuế vẫn còn cao

Tại Báo cáo tóm tắt về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế của Chính phủ, về tình hình nợ đọng thuế và sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, Chính phủ cho hay thực hiện quy định của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên theo cơ quan này, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016.

Tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.108 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016; bằng 7,6% tổng thu nội địa năm 2017. Trong đó tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng (tiền thuế nợ gốc là 19.196 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 12.273 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.

Tiền thuế nợ do cơ quan hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng, giảm 2,8% (153 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ của toàn cơ quan hải quan quản lý, trong đó 43,2% các khoản nợ khó thu phát sinh trước thời điểm Luật quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực;...

Theo Chính phủ, tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, do có một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 99,4 tỷ đồng), chiếm 0,3% tổng số nợ đọng.

Bên cạnh đó, 14.816 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 591 tỷ đồng); có 256 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ đọng là 688 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 251 tỷ đồng).

Cùng với đó là hơn 620.000 người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 8.190 tỷ đồng).

Báo cáo cũng chỉ ra có 229 người nộp thuế với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 853 tỷ đồng, trong quá trình sản xuất kinh doanh người nộp thuế bị thiên tai, hoả hoạn, bệnh dịch, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, mặc dù người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do gặp bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, không có khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng khẳng định Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên do người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng qua thời gian; tổng số tiền chậm nộp trên sổ sách kế toán cơ quan thuế của các đối tượng nêu trên là 10.465 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

“Luật Quản lý thuế được xây dựng cách đây 10 năm, đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên các trường hợp xử lý xóa nợ đọng thuế chưa bao quát hết tình hình thực tiễn do nhiều nguyên nhân bất khả kháng cũng như chưa phản ánh thực tiễn công tác quản lý thuế”, Chính phủ cho hay.

Từ tình hình trên, để giải quyết toàn diện nợ đọng, Chính phủ cho rằng cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế.

Về lý do, theo cơ quan này, trước hết là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và chính phủ đối với việc quản lý nợ thuế.

Cũng theo Chính phủ, việc xử lý tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng.

Cũng theo cơ quan này, các văn bản hướng dẫn luật quản lý thuế chưa có quy định xóa nợ khoản tiền thuê đất nộp hàng năm; việc xóa nợ đối với tiền thuê đất được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai, tuy nhiên theo quy định của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thì không có quy định xóa nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.

“Do đó, hiện nay tồn tại nhiều trường hợp doanh nghiệp bị phá sản đã xóa các khoản nợ thuế theo Luật Quản lý thuế, tuy nhiên khoản nợ tiền thuê đất không thuộc đối tượng xóa nợ vẫn đang còn tồn tại”, văn bản của Chính phủ nhấn mạnh.

Từ những lý do nêu trên, Chính phủ cho rằng cần thiết phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách.

"Việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là cần thiết..."

Thẩm tra sơ bộ về dự án Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho hay Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Cơ quan này cũng cho rằng trong những năm qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Quản lý thuế và các đạo Luật khác về thuế dẫn đến việc thay đổi các các chính sách thuế.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định để giải quyết các vấn đề về nợ thuế tồn đọng trong thời gian dài. Hàng năm, bên cạnh việc có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đăng ký tham gia hoạt động kinh doanh, cũng có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân mất khả năng thanh toán, hoặc ngừng kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc có nhiều trường hợp do chủ doanh nghiệp tư nhân do bị coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự nhưng không được xóa nợ do không đảm bảo các điều kiện được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành.

Đồng thời, do các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh còn lỏng lẻo, việc phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, cấp phép đăng ký kinh doanh chưa thực sự hiệu quả dẫn đến việc có rất nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, sau đó lại đăng ký thành lập doanh nghiệp mới cũng là nguyên nhân gây nợ đọng thuế lớn.

Vì vậy, nợ thuế từ các tổ chức, cá nhân không còn kinh doanh chưa được giải quyết kéo dài qua các năm khiến tỷ lệ nợ thuế không có khả năng thu hồi ngày càng tăng và đã chiếm gần 44,9% trên tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2017.

“Vì lý do đó, việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ đối với Luật quản lý thuế nói chung và pháp luật về quản lý nợ thuế nói riêng”, Uỷ ban Tài chính Ngân sách khẳng định.

Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng đây là Nghị quyết đặc thù, nhạy cảm với các chính sách được ban hành chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế.

Do đó, cần rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội và giao Chính phủ, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Nghị quyết này để trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), đồng thời nghiên cứu bổ sung một số nội dung như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tiêu chí, nguyên tắc xử lý nợ thuế; thời gian xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp quy định tại Điều 2 (tương tự như tại Điều 1)...

Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết này và cơ quan Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật; quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc xem xét, quyết định xử lý tiền nợ thuế theo Nghị quyết này.

Đồng thời, ngoài việc chịu trách nhiệm công vụ theo Luật cán bộ công chức, cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định xóa nợ và người đề xuất xóa nợ tiền thuế không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước vì hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung bảng biểu, số liệu về tình hình nợ thuế, cụ thể phân loại theo hình thức sở hữu (hộ cá thể, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI…); theo thẩm quyền xóa nợ thuế (Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); theo đối tượng xóa nợ (tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp…),...

Tin mới lên