Ngân hàng

Xử lý ngân hàng yếu kém – cần 'đập chuột nắn bình'

Năm 2017 có thể còn nhiều cuộc "giải phẫu" lớn hơn nữa để giải quyết cho được những bệnh tật ở thị trường tín dụng Việt Nam. Đó là tiền đề tái cơ cấu, cải cách ngành ngân hàng.

Xử lý ngân hàng yếu kém – cần 'đập chuột nắn bình'

Ảnh minh họa.

Năm 2016 ghi nhận nhiều biến động lớn của ngành ngân hàng Việt Nam, từ những vụ án kinh tế lớn hầu hết đều liên đới tới ngành này, tới câu chuyện sát nhập, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng. Một trong yếu tố then chốt trong câu chuyện tái cơ cấu mà ngành ngân hàng phải làm được là làm sao xử lý được các ngân hàng yếu kém? Như vậy, năm 2017 hứa hẹn sẽ là những cuộc giải phẫu lớn để giải quyết kỳ được những bật tật của thị trường tín dụng Việt Nam.

Tiếng súng đầu tiên: Mua lại ngân hàng với giá 0 đồng!

Trong 2 năm 2015, 2016, 3 ngân hàng thương mại bị âm vốn, không thể tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. Cụ thể là 3 ngân hàng OceanBank, GPBank, VNCB. Đây có thể coi là tiếng súng đầu tiên của NHNN cảnh báo tới các ngân hàng hoạt động yếu kém. Và sắp tới, còn một số ngân hàng yếu kém khác được xếp vào danh sách cần phải xử lý.

Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015 với phần vốn chủ sở hữu cuối năm 2014 âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng, giá trị thực âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu.

Sau VNCB là Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) được cơ quan quản lý mua lại với giá 0 đồng vào ngày 25/4/2015. OceanBank với tiền thân là Ngân hàng nông thôn Hải Hưng và đến năm 2007 chuyển đổi sang mô hình ngân hàng TMCP đô thị và "lớn nhanh như thổi" qua các năm đến 2010. Nhưng đến năm 2011 NHNN đã phát hiện ra những bất ổn tại ngân hàng này. 

Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) là ngân hàng thứ 3 bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng kể từ ngày 7/7/2015. Theo báo cáo tài chính kiểm toán tính đến ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GP.Bank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. 

Sau khi mua lại 0 đồng, NHNN đã giao cho các ngân hàng mà Nhà nước nắm quyền chi phối là VietinBank, Vietcombank tham gia hỗ trợ quản trị, tái cơ cấu, đổi tên các ngân hàng thành Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Theo báo cáo tình hình kinh tế chín tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện nợ xấu tập trung chủ yếu tại 19 tổ chức tín dụng yếu kém, chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Với thực trạng như vậy, tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng này chắc chắn đang rất nghiêm trọng, thậm chí là đã âm vốn chủ sở hữu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng được NHNN mua lại bắt buộc và các tổ chức tín dụng yếu kém khác.

Xử lý ngân hàng yếu kém - cần "đập chuột nắn bình"

Nhận xét về phương án xử lý các ngân hàng yếu kém hiện nay của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Tới thời điểm này tái cấu trúc ngân hàng mới đi được nửa chặng đường và còn nhiều việc phía trước. Trong đó, làm sao để xử lý được các ngân hàng yếu kém, bao gồm cả các ngân hàng đã được nhà nước mua lại 0 đồng là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra với tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II. 

Theo đó, ông Thành nhận định: "Nếu như giai đoạn trước đây chúng ta áp dụng phương pháp "Đập chuột mà không vỡ bình" thì nay cần sử dụng phương pháp "Vừa đập chuột nhưng lại vừa phải nắn bình", khó hơn nhưng vẫn phải làm, bởi cái bình cũ không còn phù hợp nữa". 

3 phương án cụ thể để xử lý các ngân hàng yếu kém của Việt Nam được đưa ra là: (i) để nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100%; (ii) để các nhà đầu tư trong nước mua lại và NHNN tiếp tục xử lý; (iii) cuối cùng là phương án phá sản ngân hàng. 

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào các phương án đề ra này chúng ta sẽ thấy phương án để nhà đầu tư trong nước mua lại ngân hàng yếu kém hay là để các ngân hàng lớn gánh vác ngân hàng này không thật khả quan. Bởi về thực chất, cho tới hiện tại NHNN chỉ giao cho 2 ngân hàng lớn là Viettinbank và Vietcombank lo phần quản trị, điều hành các ngân hàng 0 đồng mà tình hình cũng chưa có những cải thiện mạnh mẽ.  

Với việc áp dụng Basel II có thể sẽ khiến hệ số CAR của các ngân hàng giảm 10-20%. Trong khi đó, hệ số CAR của nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn mới chỉ ở 9-10% (mức tối thiểu là 9%). Ngay cả 4 ngân hàng quốc doanh cũng đang loay hoay tìm đối tác ngoại, nới room, phát hành trái phiếu, sát nhập với ngân hàng khác mới có thể đáp ứng được yêu cầu Basel II.

Nếu bây giờ những ngân hàng này lại phải gánh thêm những ngân hàng yếu kém, gánh thêm những khoản âm vốn của họ thì chẳng khác nào đang "làm khó" cho họ. Vì vậy mà phương án dùng nguồn lực trong nước để giải cứu các ngân hàng 0 đồng thực sự khó khả thi khi thị trường vốn trong nước còn mỏng, tiềm lực còn hạn chế. 

Cho nên, hiện nay phương án cho nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% ngân hàng yếu kém đang được coi là khả thi hơn cả. Phương án này vừa đảm bảo yêu cầu về mặt pháp lý, ổn định vĩ mô, vừa tạo được sự tin tưởng của người dân vào sự minh bạch của thị trường tài chính, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Đây cũng là một trong những phương án hiệu quả giúp vừa "đập chuột" – xử lý được các ngân hàng yếu kém, lại vừa "nắn bình" – giúp cải tổ hệ thống, tạo tính lan tỏa về lâu dài.

Còn nhiều cuộc giải phẫu lớn

Theo dõi diễn biến của thị trường tài chính, ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: "Bước sang năm 2017 có thể còn nhiều cuộc giải phẫu lớn hơn nữa để giải quyết cho được những bệnh tật ở thị trường tín dụng Việt Nam".

Nhận định về các phương án với những ngân hàng yếu kém hiện nay của Việt Nam, TS. Kiên cho biết: Một trong những cách xử lý đặc thù đang được chúng ta hướng tới là bán 100% cổ phần ngân hàng đó cho các đối tác nước ngoài. Và đó là 1 phương án xử lý tối ưu với những ngân hàng yếu kém hiện nay.

Phân tích cụ thể hơn và hiểu một cách đơn giản thì phương án này giống như chuyển từ ngân hàng 30% vốn nước ngoài thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Theo đó, chúng ta đạt được cả 2 mục tiêu quan trọng là nhà nước không bị thất thoát, còn thị trường vẫn giữ được ổn định.

Chia sẻ về phương án có thể cho các ngân hàng phá sản, ông Kiên cho biết: đây là phương án đã được quy định trong luật phá sản của Việt Nam, tuy nhiên, mỗi nước có một đặc thù riêng nên ngay cả cách phá sản thì cũng là phá sản kiểu Việt Nam. Sẽ có những ngân hàng chúng ta cho phá sản nhưng có ngân hàng thì chúng ta mua lại. "Và về bản chất kinh tế thì bị mua lại với giá 0 đồng là ngân hàng đó đã phá sản, nhưng lại do nhà nước đảm bảo để không bị đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Tin mới lên