Diễn đàn VNF

Xử lý nhà hàng Panorama: Lối thoát của Bộ Văn hóa, thế khó của tỉnh Hà Giang

(VNF) – Phương án xử lý của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch là một cách tiếp cận nhằm phục hồi lại bản chất hàng hóa công của “khung cảnh thiên nhiên trên Mã Pì Lèng”. Tuy nhiên, việc thực thi phương án này vẫn là một bài toán khó cho Hà Giang.

Xử lý nhà hàng Panorama: Lối thoát của Bộ Văn hóa, thế khó của tỉnh Hà Giang

Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, nhìn xuống sông Nho Quế (tỉnh Hà Giang)

Những ngày vừa qua, vụ nhà hàng Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận xã hội.

Sau một loạt diễn biến, cuối cùng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TTDL) đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang về phương hướng giải quyết công trình nhà nghỉ - nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng.

Công văn của Bộ VH-TTDL cho thấy ba nội dung chính:

Thứ nhất, về khung pháp lý được áp dụng, công trình nhà nghỉ - nhà hàng Panorama nằm trong lòng di sản đã được UNESCO ghi danh (Công viên cao nguyên đá Đồng Văn), với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được điều chỉnh bởi điều 36 Luật Di sản văn hóa.

Thứ hai, Bộ VH-TTDL cho rằng việc xây dựng công trình Panorama không đảm bảo đúng các nội dung yêu cầu tại quy định nêu trên.

Thứ ba, Bộ VH-TTDL đưa ra phương án xử lý công trình Panorama.

Đối với phương án xử lý công trình Panorama Mã Pì Lèng, Bộ VH-TTDL đưa ra 4 đề nghị chính đối với UBND tỉnh Hà Giang:

Một là xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Hai là tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Ba là thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện.

Bốn là xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và vùng cảnh quan xung quanh, sao cho phù hợp với nội dung 3 Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thấy gì từ 4 khuyến nghị chính sách của Bộ VH-TTDL?

Một vấn đề đã được dư luận xã hội đặt ra từ những ngày đầu xảy ra sự vụ, đó là bên cạnh việc làm mất đi vẻ đẹp vốn có của đèo Mã Pì Lèng, Panorama còn là công trình được xây dựng trái phép (kinh doanh trên đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thiếu giấy phép xây dựng).

Nếu căn cứ theo Điều 36 Luật Di sản văn hóa, công trình này cũng chưa có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên dành cho UBND tỉnh Hà Giang là phải xử lý ngay các sai phạm về mặt pháp lý. Đây cũng là tiền đề cho các hành động chính sách tiếp theo.

Khi đã được đặt dưới khung pháp lý là Luật Di sản văn hóa thì tất nhiên là các phương hướng cải tạo hay xây dựng kế tiếp trên khu đất có chứa công trình Panorama đều phải được thực hiện với đầy đủ các quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Đây cũng là yêu cầu thứ ba dành cho UBND tỉnh Hà Giang.

Trong dài hạn, yêu cầu thứ tư của Bộ VH-TTDL đã nhấn mạnh nhiệm vụ quy hoạch mặt bằng du lịch của chính quyền Hà Giang, với mục đích vừa đảm bảo sự nhất quán với quy hoạch chung của Chính phủ trước đó, lại vừa là căn cứ để địa phương có thể khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng và đầu tư vào dịch vụ du lịch một cách hợp pháp và hiệu quả nhất.

Còn trong ngắn hạn, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay là “xử lý công trình Panorama như thế nào” đã được Bộ VH-TTDL nêu ra trong yêu cầu thứ hai dành cho UBND tỉnh Hà Giang, với định hướng là “cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh”.

Với yêu cầu này, có thể hy vọng du khách đến Hà Giang có thể tận hưởng thoải mái khung cảnh này như một loại “hàng hóa công” đúng nghĩa.

Trả lại các thuộc tính “hàng hóa công” cho khung cảnh thiên nhiên trên Mã Pì Lèng

Theo lý thuyết kinh tế, có thể xem “khung cảnh thiên nhiên trên Mã Pì Lèng” là một loại hàng hóa công với đầy đủ 02 thuộc tính:

Một là không có tính tranh giành (việc người A ngắm cảnh Mã Pì Lèng không làm ảnh hưởng đến đến giá trị và tính khả thi của việc ngắm cảnh của người B),

Hai là không có tính loại trừ (không thể loại trừ một cách hiệu quả các cá nhân muốn ngắm cảnh Mã Pì Lèng – chẳng hạn không thể thu phí cho việc ngắm cảnh).

Đối với các hàng hóa công thông thường như công viên, đèn đường… người dân gần như luôn được sử dụng đầy đủ chúng một cách miễn phí (trừ các trường hợp có sự cố khách quan như mất điện chung, công viên quá tải…). Chính vì vậy, việc công trình nhà nghỉ - nhà hàng Panorama Panorama xuất hiện đã gây bức xúc trong dư luận vì đã khiến cho “khung cảnh thiên nhiên trên Mã Pì Lèng” không còn giữ được hai thuộc tính của hàng hóa công. Bởi khi đó, tính tranh giành và tính loại trừ đều xuất hiện.

Cụ thể, tính tranh giành xuất hiện vì khi một người đứng ngắm cảnh ở Panorama, đã có nhiều người khác (những người không sử dụng dịch vụ của Panorama) bị tòa nhà này che chắn tầm nhìn, hoặc là “cảnh đẹp” trong mắt họ lúc này không còn được như xưa vì cảnh quan đã thay đổi do có tòa nhà chen vào.

Tính loại trừ cũng xuất hiện, vì nếu anh không bỏ tiền ra để vào Panorama, có thể anh sẽ không ngắm được trọn vẹn khung cảnh Mã Pì Lèng.

Đề nghị thứ hai của Bộ VH-TTDL thực chất là một cách tiếp cận nhằm phục hồi lại bản chất hàng hóa công của “khung cảnh thiên nhiên trên Mã Pì Lèng”.

Với đề nghị “cải tạo, chỉnh trang” thay vì “tháo dỡ”, có thể thấy cách tiếp cận này hướng đến nhiều mục tiêu. Thứ nhất, có thể làm dịu đi sự bức xúc của dư luận xã hội, trả lại cho họ quyền tận hưởng hết cảnh đẹp trên đèo Mã Pì Lèng như một loại hàng hóa công đúng nghĩa: khung cảnh được bảo toàn, không cần trả tiền để ngắm và không bị che khuất. Thứ hai, không áp dụng một cách cứng nhắc pháp luật về quản lý di sản đối với các nhà đầu tư, mở ra cho họ một cánh cửa để tiếp tục kinh doanh, giúp họ có cơ hội tạo ra lợi nhuận; về lâu dài thì chính quyền và người dân địa phương cũng có thể hưởng lợi từ thuế và cơ hội việc làm, đồng thời tiếp tục thể hiện tinh thần khuyến khích và thu hút nhà đầu tư vào địa phương.

Yêu cầu “cải tạo lại thành đài ngắm cảnh” cũng gián tiếp cho thấy quan điểm của Bộ VH-TTDL là không ủng hộ các hình thức kinh doanh như phòng nghỉ, dịch vụ ăn uống trên Mã Pì Lèng (hoặc ít nhất là không ủng hộ các dịch vụ này ở vị trí ngắm cảnh được cho là đẹp nhất Mã Pì Lèng vì đây là một hàng hóa công mà mọi người đều có quyền sử dụng).

Quan điểm này là hợp lý nếu nhìn từ tinh thần của Luật Di sản văn hóa, vì nếu cho phép, sẽ không thể cấm những nhà đầu tư khác tiếp tục lên đây xây phòng nghỉ. Khi các dịch vụ này mọc lên tràn lan, thì việc tuân thủ quy hoạch tổng thể cũng như đảm bảo các thuộc tính đặc trưng của hàng hóa công gần như là không thể.

Tuy nhiên, các dịch vụ như nhà vệ sinh, bãi đỗ xe cho khách ngắm cảnh, sự an toàn khi ngắm cảnh… thì lại rất cần thiết cho khách du lịch, và nếu được bố trí hợp lý thì sẽ gần như vẫn đảm bảo được mục tiêu trên. Chẳng hạn như, có thể xây đài ngắm cảnh đủ rộng ở vị trí đẹp nhất trên Mã Pì Lèng, đảm bảo được an toàn và tầm nhìn cho người ngắm cảnh. Đồng thời, xây nhà vệ sinh và bãi đỗ xe ở cách đó đủ xa để không làm ảnh hưởng đến khung cảnh. Đối với các dịch vụ như vệ sinh và đỗ xe, hoàn toàn có thể thu phí vì đây là các hàng hóa tư.

Bài toán thực thi và những rủi ro

Mặc dù định hướng chính sách là khá rõ ràng, nhưng việc thực thi cụ thể không phải là bài toán đơn giản dành cho UBND tỉnh Hà Giang. Có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết như: ai sẽ là người cải tạo công trình Panorama thành đài ngắm cảnh; quyền sử dụng đất vẫn thuộc về chủ của Panorama, như vậy họ có thể giữ quyền khai thác và vận hành đài ngắm cảnh trên mảnh đất đó không; việc cải tạo này liệu có tạo ra một tiền lệ xấu khi một công trình xây dựng không phép vẫn được cho cơ hội “cải tạo” thay vì “tháo dỡ”?...

Về mặt pháp lý, “tháo dỡ” là một trong các “biện pháp khắc phục hậu quả” được quy định trong Nghị định 139/2017 liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nhưng về mặt phúc lợi xã hội, đập bỏ hoàn toàn một công trình lớn (được đầu tư nhiều tỷ đồng) sẽ làm tổng phúc lợi giảm đi.

Bên cạnh đó, một doanh nghiệp có thể bị phá sản, không có khả năng hồi phục cũng là điều không có lợi cho chính quyền Hà Giang - vốn vẫn luôn cần một hệ thống các doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt để đảm bảo nguồn thu thuế lẫn số lượng công ăn việc làm. Phương án hợp tác công – tư có thể là một giải pháp cần được xem xét đến.

Vụ việc Panorama thực sự đã đặt ra một câu hỏi lớn trong lĩnh vực quản lý và khai thác du lịch: làm thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch lại vừa đảm bảo không xâm phạm đến môi trường và cảnh quan chung?

Dù lựa chọn giải pháp thực thi nào, Hà Giang cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Dư luận có khả năng vẫn bức xúc và đòi hỏi tháo dỡ hoàn toàn Panorama. Các tiền lệ xấu cũng có nguy cơ phát sinh khi một công trình không phép vẫn được du di, tạo điều kiện để sửa chữa…

Trong bối cảnh địa phương còn quá nghèo, Hà Giang lúc nào cũng ngửa cổ chờ ngân sách và rất cần thu hút doanh nghiệp để tạo việc làm và đóng thuế (còn chính quyền trung ương cũng rất mong mỏi địa phương mạnh lên và không còn phụ thuộc ngân sách trung ương nữa), thì không thể xử lý quá một chiều và chỉ nhìn vào một mục đích. Tất nhiên, cân bằng nhiều mục đích trong một chính sách thì chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

(*) Thạc sĩ Chính sách công, cấp bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, hiện đang làm việc tại Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ). 

Tin mới lên