Tài chính

[Xưa và nay] Bia Trúc Bạch: ‘Phần hồn’ Hà Nội tái sinh sau nửa thế kỷ biến mất

(VNF) - Trong giai đoạn khó khăn của đất nước, bia Trúc Bạch, vốn được xem là một "phần hồn" của Hà Nội, bỗng lặng lẽ biến mất, để rồi hơn nửa thế kỷ trôi qua, thức uống gây thương nhớ này lại "hồi sinh" trở lại vào đúng dịp đại lễ của Thủ đô.

[Xưa và nay] Bia Trúc Bạch: ‘Phần hồn’ Hà Nội tái sinh sau nửa thế kỷ biến mất

Sau hơn nửa thế kỷ lặng lẽ biến mất, bia Trúc Bạch trở lại vào đúng dịp lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. May mắn thay, sản phẩm bia cao cấp ngày trước lại được người dân đón nhận thêm một lần nữa.

Thương cho dòng bia cao cấp một thời

Nhắc đến bia Trúc Bạch, những người con Hà Nội thuộc thế hệ năm 60, 70 của thế kỷ trước khó mà quên được hương vị đặc biệt này. Mất tích hơn 50 năm, ít ai biết được bia Trúc Bạch, thức uống đi cùng bao thăng trầm của mảnh đất nghìn năm, đã từng lẫy lừng như thế nào.

Bia Trúc Bạch lần đầu được sản xuất vào năm 1958 bởi Nhà máy Bia Hà Nội, tiền thân là Nhà máy Bia Hommel, được thành lập năm 1890. Sau nhiều thăng trầm của đất nước, Nhà máy Bia Hà Nội được "thay da đổi thịt" thành Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Cái tên Trúc Bạch được đích thân hai giám đốc thời kỳ đầu của Nhà máy Bia Hà Nội, ông Võ Tiến Kỷ và ông Lê Văn Ba, đặt theo một địa danh nổi tiếng trên đất Hà Thành, hồ Trúc Bạch, và có vị trí gần với nhà máy.

Hình ảnh tem phiếu bia Trúc Bạch ngày xưa.

Lúc này, Trúc Bạch không chỉ là nhãn bia mới mà nó còn mang hương vị hoàn toàn khác với các sản phẩm bia truyền thống trước đây do được sản xuất bởi công nghệ đến từ Tiệp Khắc (Cộng hòa Czech ngày nay). Với vị mới, được đóng trong chai trong khi giá bán chỉ nhỉnh hơn so với các loại bia hơi truyền thống vẫn đang được sử dụng công nghệ của Nhà máy bia Hommel, bia Trúc Bạch nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Được định vị thương hiệu là dòng sản phẩm cao cấp, nhưng bia Trúc Bạch lại được "phổ cập" tiêu thụ rộng rãi và thân thuộc đến mức trở thành một phần "hồn" không thể thiếu của Hà Nội. Cùng với kem Tràng Tiền, bia Trúc Bạch thời điểm đó chiếm lĩnh được trái tim của phần lớn người tiêu dùng Hà Thành.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bia Trúc Bạch gần như biến mất và phải lặng lẽ "chia tay" những tín đồ bia Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến tình trạng khó khăn của Nhà máy Bia Hà Nội khi chuyển đổi mô hình sang công ty tự hoạch toán kinh doanh. Việc nhập khẩu các nguyên liệu gặp nhiều trở ngại, mà nhu cầu về bia hơi và bia chai của người dân Hà Nội lại rất lớn, do đó, với công suất có hạn chỉ 35 triệu lít/năm, Nhà máy Bia Hà Nội không thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn của đất nước khiến loại bia cao cấp Trúc Bạch vượt quá khả năng tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, bia Vạn Lực của Trung Quốc với giá thành rẻ hơn, lại liên tục theo chân các tiểu thương xâm nhập vào thị trường Việt Nam, đã được người dân rất ưa chuộng, thậm chí phủ khắp cả đất nước tới tận mũi Cà Mau.

Sự ra đi của một sản phẩm bia mang thương hiệu Việt, đậm chất Việt và do người Việt sản xuất khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối và xót xa. Tưởng chừng như đã chỉ còn là một phần quá khứ, thì đúng dịp kỷ niệm Nghìn năm thủ đô văn hiến, bia Trúc Bạch bất ngờ "sống" lại.

Hồi sinh "phần hồn" Hà Nội

Năm 2010, nhân dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời chào mừng dòng bia Hà Nội tròn 120 năm tuổi, Habeco đã tái giới thiệu với thị trường sản phẩm bia Trúc Bạch truyền thống cùng slogan "Trúc Bạch – Kiệt tác bia".

Không chỉ lưu giữ được nét đẹp truyền thống một thời, bia Trúc Bạch còn có hương vị hoàn hảo hơn nhờ sử dụng các nguyên liệu thượng hạng, quý hiếm. Theo Habeco, bia Trúc Bạch có thể thỏa mãn được cả bốn giác quan của người thưởng thức – thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác.

Habeco vẫn tiếp tục sử dụng chiến lược giá cao và giữ nguyên đẳng cấp cao mà bia Trúc Bạch đã làm được trong suốt thời kỳ đầu. Chính vì vậy, bia Trúc Bạch có giá cao hơn cả bia Heineken, một trong những loại bia ngoại cao cấp đang được ưa chuộng và bán chạy trên thị trường.

Mặc dù không ít ý kiến cho rằng Habeco tung sản phẩm bia cao cấp là "lấy trứng trọi đá", nhưng ngay từ giai đoạn đầu, sản lượng tiêu thụ của bia Trúc Bạch luôn tăng trưởng cao, gấp 3 – 4 lần sản lượng tiêu thụ trung bình chung của các loại bia khác. Năm 2010, sản lượng tiêu thụ bia Trúc Bạch là 278 nghìn lít, đến năm 2015, con số này đã tăng lên tới 2,8 triệu lít. Người tiêu dùng lại một lần nữa bị chinh phục bởi dòng bia đắt đỏ này.

Bia Trúc Bạch quay trở lại "rầm rộ" vào năm 2010.

Ông Nguyễn Tiến Phong, nguyên Chủ tịch Habeco cho biết, sở dĩ bia Trúc Bạch có giá cao trên thị trường, thậm chí cho hơn cả bia ngoại Heineken nhưng vẫn được đón nhận rộng rãi là do: "Người tiêu dùng uống bia Heineken là 'uống thương hiệu', còn bia Trúc Bạch thu hút khách vì phù hợp với khẩu vị người Việt, đáp ứng nhu cầu của phân khúc cao cấp về cả hình thức lẫn chất lượng sản phẩm".

Đặc biệt, năm 2014, bia chai Trúc Bạch còn được khoác "áo mới", từ nhãn giấy trước đây thành nhãn bạc ánh kim. Việc nâng cấp diện mạo cho sản phẩm bia Trúc Bạch nằm trong kế hoạch phát triển thương hiệu cao cấp của Habeco, mang đến cho khách hàng hình ảnh mới khi thưởng thức sản phẩm này.

Cho đến thời điểm hiện tại, trong phân khúc cao cấp tại thị trường phía Bắc, sản phẩm bia Trúc Bạch có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Habeco. Năm 2017, Habeco tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ cho dòng sản phẩm bia cao cấp Trúc Bạch bằng cách đầu tư thêm vào Marketing và các kênh phân phối sản phẩm, đặc biệt là khu vực thành thị. Đồng thời, Habeco cũng sẽ hoàn thiện hơn dòng sản phẩm này với chất lượng cao hơn, phù hợp với lối sống năng động và hiện đại.

Tin mới lên