Công nghệ

Xuân khởi nghiệp: Những sản phẩm, dịch vụ thông minh

(VNF) - Đầu năm, nhận được cú phone từ anh bạn trẻ là vốn là "dân ngoại thương" đang làm cho một công ty liên doanh rằng: "Bác rảnh không? Cafe". Tưởng bạn làm cho nước ngoài công việc ngập đầu, cớ sao nay rảnh rang vậy? Rằng, "Em đang có một business, bán online khá tốt, muốn nhờ bác tư vấn thêm".

Xuân khởi nghiệp: Những sản phẩm, dịch vụ thông minh

Vậy là chúng tôi có cuộc hẹn ở một khách sạn sang trọng bàn về chủ đề này. Sản phẩm mới của anh bạn tôi là loại dây đeo đồng hồ chất lượng cao làm từ da cá sấu. Theo đó, nguyên liệu được nhập khẩu từ Italia, thông qua đội ngũ nhân viên tay nghề cao làm theo kiểu handmade đúng chuẩn theo yêu cầu của các hãng đồng hồ danh tiếng Thụy Sỹ. Chất lượng ngoại, giá thành nội, sản phẩm của anh được phân phối trên Amazone và nhiều kênh online khác nhau. Bước đầu mức tiêu thụ chưa lớn nhưng anh đã có những khoản thu nhập lớn hơn nhiều mức lương một chuyên gia mà công ty liên doanh vẫn trả cho anh.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cùng với toàn cầu hoá đang diễn ra như một cơn lốc. Nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) đang trở thành một văn hoá thu hút cả thế giới tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế vì lợi ích của mỗi thành viên tham gia. Sự phân công lao động không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã mở rộng ra toàn cầu. Trường hợp tìm kiếm những thị trường ngách như anh bạn tôi vừa nói ở trên không còn là chuyện hiếm mà trở nên khá phổ biến.

Sự phát triển và những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. Với Việt Nam là quốc gia đang ở vùng trũng của thế giới về kinh tế nhưng sở hữu một nguồn nhân lực trẻ tuổi, đầy khát vọng đang đứng trước những cơ hội lớn lao để thu hẹp khoảng cách. Ngày càng có nhiều người Việt trở thành “công dân toàn cầu” khi họ sở hữu những kỹ năng lao động theo chuẩn quốc tế và phá bỏ được rào cản ngôn ngữ bằng khả năng giao tiếp tiếng Anh như người bản địa.

Trong một lần về thăm Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn - Lasuco ở Thanh Hóa, trong bối cảnh sự ế ẩm chung của ngành mía đường thì Lasuco vẫn làm ăn rất tốt. Trao đổi với ông Lê Văn Tam, chủ tịch Công ty, ông Tam cho biết: Lasuco đã tối ưu hóa năng suất, hạ giá thành sản phẩm bằng cách sử dụng Hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP) do một nhóm nhỏ các kỹ sư công nghệ cung cấp. Nhờ đó Công ty đã nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp, từ con người, tài sản, thiết bị, tài sản, tài chính…

“Cụ thể thế nào vậy bác?”, tôi hỏi. Ông Tam cho biết: Sản xuất và thu hoạch mía có tính chất thời vụ. Nhà máy có lúc bội thực về mía nhưng có lúc lại thiếu nguyên liệu cho máy hoạt động. Đó là chưa nói đến chuyện xe vận tải rất dễ bị ùn tắc vào những mùa thu hoạch. Điều này đã gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp, khiến hiệu quả kinh doanh thấp.

Giải pháp của nhóm bạn trẻ là kết hợp ERP trên bản đồ số GIS (hệ thống thông tin địa lý – Geographical Information System). Mối quan hệ này đã giúp Lasuco biết chính xác vị trí đất canh tác, diện tích, tính chất… theo thời gian thực của việc thu hoạch mía.

Với hơn 15.000ha nguyên liệu, cách làm cũ của Lasuco là phân chia phân bón và nước tưới theo kiểu “bao cấp định mức”, nghĩa là các thửa đất đều có liều lượng nước và phân bón như nhau. Điều đó đã tạo ra tình trạng “thừa và thiếu” theo nhu cầu của từng khu vực canh tác, tương ứng với tiểu vùng khí tượng đó từ nước cho đến phân bón.

Nhóm chuyên gia về trí tuệ nhân tạo được đào tạo từ nước ngoài đã giúp Lasuco ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo AI, dự báo thời tiết, các dữ liệu về tính chất đất, nước… để phân bổ nguồn nước tưới và bón phân hợp lý. Nhóm bạn trẻ này cũng đã giúp Lasuco áp dụng công nghệ IoT trong việc tích hợp các hệ thống cảm biến trong vùng nguyên liệu trọng điểm khoảng 500ha. Hệ thống AI giúp phân tích quy trình canh tác tối ưu ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác được hệ thống cảm biến giám sát, theo dõi và cảnh báo cho ban kỹ thuật.

Khi bài toán kiểm soát chất lượng và sản lượng sản phẩm đã được giải, khâu cuối cùng là thu hoạch vận chuyển. Bằng cách sử dụng Big Data, nhóm chuyên gia đã giúp Lasuco nắm được kế hoạch điều vận trên bản đồ trong thời gian thực (real-time) để điều phối xe không xảy ra tình trạng ùn tắc, đi đúng lộ trình, đúng giờ. Mỗi chiếc xe đã được cài chip để theo dõi lộ trình, cập nhật số xe, số hợp đồng…

Toàn bộ các thông tin này đều cập nhật về hệ thống xử lý của trung tâm điều phối biết được các dự báo, để từ đó có kế hoạch kịp thời.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng mía giúp tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số vùng đạt 120 – 130 tấn/ha. Không chỉ có cây mía, các dự án trồng cây ăn trái, rau củ quả chất lượng cao của Lasuco cũng đang được đầu tư công nghệ cao. Kết quả ban đầu được đánh giá là có hiệu quả. Hơn thế là việc khai thác tối ưu công suất máy móc và giảm chi phí cho các khâu trung gian.

Khác với sản phẩm Hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP) ở Lasuco, sản phẩm Đèn học thông minh “The Smart Light” của Nguyễn Huy Du là một sản phẩm công nghệ “Made by Vietnam” theo cách làm ô tô của Vinfast là tích hợp được những thành tựu tốt nhất của nhân loại.

Đèn học thông minh tích hợp camera IP, loa, mic có kết nối internet không dây (Wifi) giúp giám sát, hỗ trợ trực tiếp việc học; nói chuyện trực tiếp miễn phí trên nền tảng internet từ nhiều nơi qua máy vi tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh; Camera có chế độ xoay 360 độ có thể quan sát toàn bộ khu vực đặt đèn và cho ảnh động rõ nét.

The Smart Light giúp kết nối tham gia vào “Mạng Dạy Kèm” với hàng ngàn giáo viên uy tín tại Việt Nam và chuyên gia giáo dục trên toàn cầu ở các cấp độ và các môn học (Người học không cần đến nhà giáo viên dạy kèm và ngược lại).

Với những tính năng nổi bật tích hợp tất cả ưu điểm vào đèn học thông minh này là bước tiên phong đi đầu công nghệ, với mong muốn của nhà sáng lập ra đèn học thông mình không chỉ vì lợi nhuận từ bán được đèn mà là góp phần đẩy mạnh phát triển nền giáo dục nước nhà. Con em của các bậc phụ huynh có thể học tại nhà với những lựa chọn hệ thống giáo dục mang tính toàn cầu. Ngồi tại Việt Nam có thể học theo chương trình ĐH nổi tiếng trên thế giới. Hoặc có thể lựa chọn các thầy cô Giáo sư Tiến sỹ có tâm trong ngành giáo dục tận tuỵ vì mục tiêu cao cả của việc “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng Người”.

The Smart Light cũng góp phần giải quyết vấn nạn giao thông, kẹt xe giờ cao điểm khi các bậc phụ huynh đưa đón con đi học thêm. Sản phẩm này cũng giúp cha mẹ có thể yên tâm công tác nhưng vẫn gần gũi con trẻ qua hệ thống camera, trò chuyện trực tiếp, an tâm hơn khi tham gia học trực tuyến với con trẻ, đánh giá khách quan về dạy học, cách học của con và các quý thầy cô.

Nếu như The Smart Light là sản phẩm tích hợp công nghệ thì Ví điện tử MOMO là sản phẩm của một nhóm công nghệ kết hợp với chuyên gia tài chính. Thông qua sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là những công nghệ gắn liền với Internet, MOMO đã mang dịch vụ tài chính mới (tài chính điện tử) đến với người dân Việt Nam, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ đơn giản nhất từ thanh toán thông thường cho tới thanh toán cho vay tài chính, thanh toán mua sắm thương mại điện tử…

Tính đến đầu năm 2019, MOMO có khoảng 7 triệu khách hàng, trong đó có 4 triệu khách hàng trên ví điện tử và 3 triệu khách hàng được phục vụ tại quầy. MOMO cũng là đối tác chiến lược của các ngân hàng Vietcombank, VPBank, Vietinbank, OCB, Eximbank, Sacombank và các tổ chức thẻ Visa/Master/JCB. Nhờ những ưu việt của dịch vụ mà MOMO đã nhận được khoản đầu tư 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs để có thể cung cấp một sản phẩm đẳng cấp thế giới và một dịch vụ vượt trội cho người dùng.

Những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ đang tạo ra cơ hội cho giới trẻ Việt Nam phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong diễn đàn Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia- Techfest diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc CMCN 4.0.

Thách thức là rất lớn như cơ hội cũng không nhỏ. Điều quan trọng là chúng ta có khát vọng làm giàu, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi rào cản về địa lý, về ngôn ngữ, nắm bắt được những thành tựu mới nhất về công nghệ để sáng tạo ra những sản phẩm dịch vụ thông minh, đáp ứng được nhu cầu khó tính của người tiêu dung. Mùa xuân khởi đầu cho một năm mới, và cũng đang mở ra một trang mới cho sự nghiệp mới, đòi hỏi sự đổi mới - sáng tạo, chủ động hợp tác, liên kết nhằm gia tăng chuỗi giá trị để tham gia vào dòng chảy vĩ đại của nhân loại trên chặng đường giảm nghèo và phồn vinh, khẳng định thương hiệu quốc gia trên bản đồ thế giới.

Tin mới lên