Thị trường

Xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp dệt may tìm 'phao cứu sinh' ở EVFTA

(VNF) - Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 8/2020, xuất khẩu hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6% so cùng kỳ. Để bù đắp việc thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đang nỗ lực tìm cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhằm đưa hàng vào thị trường châu Âu (EU)

Xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp dệt may tìm 'phao cứu sinh' ở EVFTA

Dệt may Việt Nam tận dụng EVFTA để vào EU

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may tính chung 8 tháng giảm 11,6%. Theo Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM, số lượng đơn hàng xuất khẩu của các DN trên địa bàn thành phố đã giảm khoảng 25% trong tháng 4 và hơn 30% trong tháng 5. Dự kiến 6 tháng cuối năm, mức giảm này có thể thấp hơn, ước khoảng 14%-18%. Hiện tỷ lệ tồn kho toàn ngành dệt may rất cao, lên đến 118,7%. Có khoảng 20% DN dệt may buộc phải tạm ngưng hoạt động. Các DN còn lại phải cắt giảm lao động và cơ cấu lại hoạt động sản xuất.

Dịch kéo dài đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường xuất khẩu của ngành dệt may. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ngoại trừ hàng hóa thiết yếu và thực phẩm. Thực tế này kéo sức mua toàn cầu giảm mạnh, hệ quả là hàng loạt hãng thời trang phải đệ đơn xin phá sản. Đơn cử như chuỗi cửa hàng Brook Brother, New York & Co (sở hữu 378 cửa hàng bán lẻ và đại lý), JCPenny (sở hữu 850 cửa hàng bán lẻ toàn cầu)…

Gần đây nhất vào tháng 4/2020, mạng lưới “Dệt may bền vững của khu vực châu Á” (STAR) đã phải tổ chức họp với các hiệp hội sản xuất dệt may lớn từ Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Pakistan và Việt Nam.

Hiện các DN dệt may Việt Nam đang cần tổng đơn hàng xuất khẩu 7 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay mới bằng mốc của năm 2019. Và EVFTA là cơ hội tốt nhất để DN Việt Nam làm được điều này.

Có 2 yếu tố mà DN dệt may trong nước phải tính đến nếu muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA để gia tăng thị phần tại EU. Đó là phải cạnh tranh được về giá thành (so với hàng dệt may Bangladesh vốn có giá thấp hơn) và thời gian giao hàng nhanh (so với hàng dệt may của Thổ Nhĩ Kỳ vì có lợi thế sát biên giới EU). Tận dụng tốt thuế suất ưu đãi từ EVFTA, hàng dệt may trong nước sẽ cạnh tranh được với hàng dệt may Bangladesh.

Về yêu cầu giao hàng nhanh, ngoài những cải thiện năng lực logistic, DN rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan, nhất là giảm triệt để kiểm tra chuyên ngành. Ngành dệt may cần chủ động chuyển đổi nhập khẩu nguyên liệu từ những nước đã ký FTA với Việt Nam, đồng thời đã ký FTA với EU để tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp. Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng cần cung ứng sản phẩm dệt may chuyên dụng, kỹ thuật cao, đa chi tiết hoặc đồ bảo hộ lao động, thể thao, y tế.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cho biết trong vòng một tháng kể từ ngày 1/8 đến hết 31/8 vừa qua, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD (khoảng hơn 6.400 tỷ đồng) đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh Quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Từ khoá: dệt may, EVFTA, EU,
Tin mới lên