Tài chính quốc tế

'Xung đột Nga-Ukraine khiến nước Đức nghèo hơn'

(VNF) - Trước tình trạng giá năng lượng nhập khẩu liên tục tăng cao và những nguy cơ gián đoạn nguồn cung, cả Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang Đức và Phó Thủ tướng nước này đều thừa nhận rằng chính người dân Berlin đang bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

'Xung đột Nga-Ukraine khiến nước Đức nghèo hơn'

Xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng tại Đức tăng vọt tới 40% so với năm ngoái.

Trong một buổi phỏng vấn với tờ Bild được công bố hôm 3/4, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã thẳng thắn chia sẻ: “Cuộc chiến tại Ukraine đang khiến tất cả chúng ta trở nên nghèo hơn vì phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng nhập khẩu”.

Theo ông Lindner, tình hình kinh tế Đức đang rất đáng lo ngại do đường cong tăng trưởng chùng xuống và giá cả leo thang. Dù chính phủ Đức đang có các chính sách hỗ trợ tầng lớp dễ bị tổn thương kinh tế và doanh nghiệp rủi ro, nhưng nguồn tài chính có hạn nên các chương trình đều chỉ mang tính tạm thời.

Mặc dù vậy, ông Lindner cũng trấn an người dân rằng chính phủ Đức đang làm tất cả những gì có thể để tránh những “cú sốc lớn nhất” hay tình trạng lạm phát đình trệ, nỗ lực đặt nền móng mới cho sự thịnh vượng và hứa sẽ không để người dân Đức nào phải chịu rét trong mùa đông tới.

Khi được hỏi tại sao Berlin vẫn “tài trợ” cho Nga bằng việc nhập khẩu năng lượng, Bộ trưởng Tài chính Đức lập luận rằng việc không còn nguồn cung từ Nga sẽ tác động đáng kể tới đất nước, vượt ra ngoài tiền bạc và ảnh hưởng tới người dân.

Đức - một trong những cường quốc công nghiệp của châu Âu - là nhà nhập khẩu lớn khí đốt tự nhiên của Nga, với 34% lượng nhiên liệu tiêu thụ tại nước này vào năm ngoái là từ Nga. Berlin cũng mua một lượng dầu đáng kể của Nga.

Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Đức là ông Robert Habeck cũng từng cảnh báo rằng nước Đức "sẽ nghèo hơn" vì cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, do giá năng lượng tăng cao gây lạm phát kỷ lục và đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào một cuộc suy thoái.

Số liệu sơ bộ cho thấy lạm phát đã chạm mức 7,3% trong tháng 3, theo Văn phòng Thống kê Liên bang của nước này, ghi nhận mức cao nhất trong hơn 40 năm. Nguyên nhân là giá khí đốt tự nhiên và dầu tăng vọt gần 40% so với năm trước.

Đặc biệt, sau khi Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh yêu cầu các nước “không thân thiện”, bao gồm Đức, phải thanh toán tiền khí đốt bằng đồng ruble nếu không muốn bị cắt nguồn cung, nỗi lo thiếu hụt năng lượng càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

"Sự phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga dẫn đến rủi ro đáng kể về sản lượng kinh tế thấp hơn và thậm chí là suy thoái với tỷ lệ lạm phát cao hơn đáng kể", Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho biết, đồng thời thúc giục chính phủ mau chóng chuẩn bị các phương án dự phòng năng lượng và chấm dứt sự dựa dẫm vào năng lượng của Moscow.

Hội đồng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Đức xuống 1,8% từ mức 4,6% được đưa ra cuối năm ngoái, với lý do lạm phát và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến tranh ở Ukraine gây ra.

Xem thêm >> ‘Ông lớn’ năng lượng Nga bất ngờ thông báo ngừng hoạt động tại Đức

Tin mới lên